Chứng khoán 24/9: Ngân hàng căng mình giữ trận, VN-Index có 8 tuần lình xình

Chứng khoán 24/9: Ngân hàng căng mình giữ trận, VN-Index có 8 tuần lình xình

Các cổ phiếu Ngân hàng phải gánh thêm khá nhiều trách nhiệm của VHM ở nhiều thời điểm mã này trùng xuống. Chỉ số VN-Index đóng cửa vẫn trên 1.350 điểm nhưng là tuần thứ 8 lình xình trong khoảng 1.340-1.360 điểm.

Ngân hàng đứng ra gánh vác chính trọng trách đỡ điểm số dù thực tế nhóm này cũng chưa sẵn sàng để trở lại xu hướng tăng. Các mã MBB (+2,9%), VIB (+1,7%), OCB (+1,4%), ACB (+1,3%), BID (+0,6%) đều cận kề ở mức cao nhất phiên. Điều này cho thấy ý chí giữ nhịp cho thị trường của nhóm này dù thực tế biên độ không quá lớn.
MBB hôm nay là cổ phiếu tăng tốt nhất hoàn toàn nhờ tiền ngoại giải ngân mạnh hơn trong phiên chiều, tổng giá trị ròng đạt 314 tỷ đồng. Nhờ vậy, giá trị giao dịch của MBB mới tăng đột biến 830 tỷ đồng đứng đầu sàn. Các mã ngân hàng khác của HOSE kể cả tăng giá thì hôm nay cũng đều không vượt qua mốc 500 tỷ đồng.
Dù sao, Ngân hàng cũng còn làm tốt hơn VHM (+0,4%) khi phiên chiều mã này bị lực bán đè xuống làm hao hụt phần nào thành quả phiên sáng. VN30 nhờ Ngân hàng vẫn tăng điểm nhẹ trong khi VN-Index giảm điểm không đáng kể, mất 1,59 điểm (-0,12%) xuống 1.351,17 điểm. Đây là tuần thứ 8 thị trường chỉ loay hoay từ 1.340-1.360 điểm
Thị trường vẫn đang có sự sàng lọc triệt để dòng tiền đầu cơ ở các mã Midcap và Penny nên có điểm sáng từ Ngân hàng vẫn là tốt hơn. Các mã PVT (-3,61%), DBC (-2,8%), FTS (-5,53%), FRT (-3,4%), TLH (-3,7%), SMC (-3,1%), LDG (-3,05%), FIT (-4,66%), IJC (-2,53%), HAH (-6,57%), GMD (-2,3%)… làm mật độ các cổ phiếu điều chỉnh dày hơn. Mức giảm trên 2% là bằng chứng mạnh hơn cho việc tiền nóng đang cố rút ra. Điểm cân bằng của các cổ phiếu trên có thể vẫn chưa xuất hiện vào lúc này.
Số mã giảm tới hết phiên đạt 291 mã so với 110 mã tăng và 41 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường yếu đi với chỉ 18.331 tỷ đồng khớp lệnh.
Về tiền ngoại, các quỹ có phiên mua ròng trở lại gần 160 tỷ đồng nhưng nếu không có MBB phiên hôm nay hoàn toàn có thể lại là một phiên bán ròng.
Mất định hướng từ HOSE, chỉ số HNX-Index lẫn chỉ số UPCoM-Index cả phiên hôm nay cũng chỉ lình xình và cùng giảm 0,3%.
===============
VHM (+0,9%) và các cổ phiếu Ngân hàng vẫn là những mã kéo điểm cho thị trường. Mức tăng của nhóm này là tạm ổn dù có thời điểm đà tăng gặp phải những áp lực chốt lời và chững lại. Dù sao, các cổ phiếu này vẫn đảm cho thị trường tăng điểm tới cuối phiên sáng, VN-Index đóng cửa phiên sáng tăng 2 điểm lên 1.354 điểm.
Tuy nhiên, chiều ngược lại, MSN (-1,2%), MWG (-0,4%), FPT (-0,2%) lại quay đầu điều chỉnh tạo nên kịch bản thường thấy gần đây. Đó là các cổ phiếu lớn rất hiếm khi nhìn về cùng một phía để giúp thị trường hình thành xu hướng tăng rõ rệt.
Với trạng thái này, nhà đầu tư sẽ rất khó giải ngân trọn vẹn danh mục hay sử dụng hết sức mua từ margin. Cách mà nhiều nhà đầu tư đang tham gia vẫn đang chủ yếu là sử dụng một phần năng lực tài chính. Thanh khoản của thị trường không có nhiều phiên đạt được hơn 25.000 tỷ đồng trong thời gian gần đây chính là hệ quả của chiến lược giao dịch này.
Trong sáng nay, HOSE chỉ giao dịch 9.178 tỷ đồng, giảm tới 34% so với phiên sáng qua. VN30 chiếm khoảng 35% giá của HOSE và phần còn lại của “miếng bánh” là cho Midcap và Penny.
Các diễn biến của Midcap và Penny nghiêng về điều chỉnh nhưng cũng không thật sự xấu do vẫn chỉ có một số mã điều chỉnh mạnh là CSV, DGC, QBS, JVC như đã đề cập trước đó. Phần lớn các cổ phiếu khác chủ yếu biến động trong biên độ 1%. Chính vì vậy, kịch bản nhóm này lấp lóe các điểm nổ vẫn có thể xảy ra khi các trụ còn tiếp tục loay hoay triệt tiêu ảnh hưởng lẫn nhau để giữ mốc 1.350 điểm.
Chất xúc tác có thể giúp thị trường bớt nhàm chán có lẽ phải đến từ hiệu ứng thông tin hoặc dòng tiền cụ thể. Yếu tố thông tin hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng nhưng tiền ngoại lại đáng được lưu ý. Hiện khối ngoại đang giải ngân khá nhiều vào các cổ phiếu Ngân hàng trong một tuần trở lại đây. Tổng thể khối này vẫn bán ròng nhưng hoạt động mua vào Ngân hàng đang rất chủ động. Trong phiên sáng, MBB (+105 tỷ đồng) nổi bật khi được mua vào mạnh nhất HOSE.
Với HNX, tâm lý chờ đợi HOSE khiến cho dao động lình xình đang tiếp tục diễn ra. SHB (+0,75%), PVS (+1,08%) chủ yếu vẫn giao dịch cầm chừng nắn chỉ số ở sát 360 điểm. HNX-Index giảm nhẹ 0,15% xuống 306,48 điểm. Giao dịch sàn đạt 1.530 tỷ đồng.
==============
Các thông tin xoa dịu về tình hình Evergrande đã giúp tâm lý chứng khoán thế giới được khả quan hơn. Chứng khoán Việt Nam dù có nhiều biến động cũng đang giữ mốc 1.350 điểm nên vẫn còn cơ hội sớm trở lại chinh phục đỉnh cũ.
Các cổ phiếu Bluechip sẽ có tiếng nói định đoạt tới xu hướng thị trường mỗi khi chỉ số đứng trước các nhịp tăng quan trọng. Trong sáng nay, thị trường đang có VHM và Ngân hàng cùng tham gia hỗ trợ.
Với VHM (+1%), mã này đã hồi phục từ phiên hôm qua sau 3 phiên bị nhúng xuống dưới đường MA200. Phiên tăng sáng nay đang đưa cổ phiếu này về gần đường MA20 ở ngay 81.000 đồng/cổ phiếu. Lực cầu mua lên tại VHM đến từ cả nhà đầu tư nội lẫn ngoại trong đó khối ngoại mua ròng hơn 20 tỷ đồng. 3 phiên trước đó, VHM đều ghi nhận sự giải ngân trở lại của khối ngoại.
Cùng với đó là các cổ phiếu Ngân hàng, VIB (+1,7%), OCB (+1,9%), TPB (+1%), LPB (+1,3%), MSB (+2,1%), TCB (+1,2%) cũng tăng dàn trải với lực mua vào vừa phải. Cổ phiếu khỏe nhất nhóm này là TPB tiếp tục ghi điểm dù đà tăng chưa phải vượt trội nhất. Mã này được nhà đầu tư chú ý vì đã có 2 tuần tăng giá và gần như chắc chắn sẽ có thêm 1 tuần tăng giá nữa sau khi phiên hôm nay đóng cửa. Khả năng có một tuần giảm giá chỉ xảy ra khi TPB đóng cửa dưới 40.900 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên điều này là rất khó xảy ra. Hiện TPB đang giao dịch quanh mốc 42.000 đồng/cổ phiếu.
VN-Index tới khoảng 10h30 đang tăng lên 1.354 điểm. Sắc xanh lép vế trên sàn vẫn đến từ việc Midcap và Penny bị chốt lời. Các mã giảm mạnh hiện có CSV (-6,94%), DGC (-4,04%), QBS (-6,8%), APG (-6,8%), VOS (-5,18%).
Tuy nhiên, nhóm FLC đang duy trì được tiền vào nên nhiều mã vẫn tăng điểm. FLC (+1,33%), AMD (+0,88%), ROS (+1,5%) đang tăng nhẹ. Được biết, chuyến bay thẳng đầu tiên của Bamboo Airways từ Việt Nam đến Mỹ đã cất cánh từ sân bay Nội Bài lúc 19h55 ngày 23/9 và hạ cánh tại sân bay Francisco (Mỹ) 9h50 ngày 24/9 (Giờ Việt Nam).
Trên HNX, SHB (+1,12%), PVS (+1,08%) tăng giá chủ yếu chỉ đề bù trừ lại ảnh hưởng của IDC (-1,58%), NDN (-0,5%). Chỉ số HNX-Index giằng co tại ngay ngưỡng 360 điểm.