Chứng khoán 16/7: Phiên hồi phục thứ 2 của VN-Index, nhưng vẫn là tuần giảm thứ 2 liên tiếp

Chứng khoán 16/7: Phiên hồi phục thứ 2 của VN-Index, nhưng vẫn là tuần giảm thứ 2 liên tiếp

Tiền vào trong phiên chiều không phát triển được thêm nên HOSE chốt phiên với mức thanh khoản chỉ 15.438 tỷ đồng. VN-Index có phiên hồi phục thứ 2 liên tiếp nhưng chốt tuần vẫn giảm 3,5%.

So với phiên sáng, chỉ số không có nhiều tiến triển khi vẫn là MSN (+4,8%), VIC (+3,7%) đóng góp chính vào đà tăng. Gương mặt mới trong top tăng điểm có thêm GVR (+2,8%) khi mã này cố gắng tạo nhịp vươn lên từ lúc 14h40. Tuy nhiên, đà tăng của GVR cũng chủ yếu để lấp lại ảnh hưởng giảm từ VHM khi đang tiếp tục test lại nền giá quanh 109.000 đồng/cổ phiếu.
Mức giảm của VHM cũng không nhiều và thanh khoản cũng chỉ bằng 1/2 bình quân 20 phiên nên trạng thái của VHM là không hề đáng ngại.
Tuy nhiên, sự căng thẳng lại đến nhiều hơn từ dòng tiền trong nước. Phiên chiều không hề kế thừa được bất kỳ sự tiến triển nào của phiên sáng. Lệnh đổ vào hệ thống của HOSE ghi nhận tần suất không dày và tỏ rõ sự cảnh giác. Thanh khoản sàn đạt 464,42 triệu đơn vị, tương đương 15.438 tỷ đồng.
Sắc xanh trên toàn HOSE có cải thiện với 199 mã tăng so với 178 mã giảm và 45 mã đứng giá tham chiếu. Ngoại trừ nhóm Cảng biển, các cổ phiếu tăng giá còn rời rạc như trường hợp của SZC (+7%) đi trước so với KBC (+0,15%), IJC (+1,5%), D2D (+0,4%). Nhóm Bất động sản, HDC (+6,9%) đi ngược lại với DXG (-3,14%), FLC (-3,91%), VPI (-0,14%). Trong khi đó, các mã HAH (+6,9%), VSC (+7%), GMD (+2%) tăng giá đều hơn.
Chốt tuần giao dịch, VN-Index tăng 0,42% lên 1.299 điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index vẫn giảm 3,5% và là tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trên HNX, ngoài SHB (+2,9%), 2 mã VCS (+3,7%), THD (+0,2%) đã vào tiếp sức tăng điểm. Ngoài ra, DXS (+3,4%) cũng có phiền hồi phục sau ngày chào sàn không thành công. 
Chỉ số HNX-Index tăng 0,48% lên 307,76 điểm. Thanh khoản sàn đạt 97,66 triệu đơn vị, tương đương 2.326 tỷ đồng. 
Với UPCoM, CTR (+9%) vươn lên trở thành cổ phiếu nổi bật nhất sàn khi đạt được cả 2 tiêu chí về giá và giao dịch. Giá trị của CTR đạt gần 200 tỷ đồng, đứng đầu toàn sàn và xếp trên BSR (+2,3%), BVB (+1,1%), SCG (+5,4%). 
Chỉ số UPCoM-Index tăng được 0,41% lên 85,33 điểm. Thanh khoản sàn đạt 76,99 triệu đơn vị, tương đương 1.051 tỷ đồng.
================
Giao dịch thoáng hơn khi thị trường không còn nỗi lo đáo hạn phái sinh. Giá trị giao dịch của HOSE cuối phiên sáng nay đã hơn 10.000 tỷ đồng trong đó khớp lệnh đạt 8.986,15 tỷ đồng, tương đương 268,05 triệu đơn vị. Như vậy, so với sáng hôm qua, giá trị khớp lệnh đã tăng hơn 2.000 tỷ đồng, một sự cải thiện về giao dịch.
Cần lưu ý rằng, nhà đầu tư có lý do để cảnh giác bởi khối lượng cổ phiếu về tài khoản của phiên 12/7 là rất lớn. Nếu như lượng hàng này xả ra sẽ ngay lập tức gây thiệt hại trong phiên với các vị thế vừa mua xong. 
Các mã thanh khoản nhất sàn là HPG (+1,18%), VPB (+0,94%), TCB (+0,19%) vẫn chỉ từng bước cải thiện dần trạng thái. Hiện HPG, VPB đã giao dịch được trên 700 tỷ đồng còn TCB trên 400 tỷ đồng.
VN-Index tới cuối phiên sáng tăng 0,41% lên 1.299,23 điểm. Sắc xanh hiện đang xuất hiện ở 153 mã so với 186 mã giảm và 65 mã đứng giá tham chiếu. Theo ghi nhận, khối ngoại vẫn đang mua ròng nhẹ khoảng 132 tỷ đồng.
Với HNX, SHB (+2,93%) đang giao dịch được 576 tỷ đồng gấp hơn 5 lần cổ phiếu đứng sau là PVS (111 tỷ đồng). Chỉ số HNX-Index vẫn hoàn toàn dựa vào SHB để tăng điểm, cuối phiên sáng đạt 307,38 diểm (+0,35%). Thanh khoản của HNX đạt 56,99 triệu đơn vị, tương đương 1.334 tỷ đồng.
===============
2 tiêu chí để thị trường lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư lúc này là cần có trụ và thanh khoản trở lại. Trước mắt, chỉ cố VN-Index đã 2 trụ lớn tham gia để kéo chỉ số trở lại, đó là MSN (+5,2%) và VIC (+3,6%).
Dù vậy, vẫn cần phải phân tích về 2 trụ này khi MSN và VIC đang ở 2 tình trạng khá trái ngược nhau. Với MSN, đây vẫn là cổ phiếu khỏe khi điều chỉnh hầu như không có trong 2 tuần gần đây, mã này vẫn đảm bảo được xu hướng tăng ngắn hạn với thị giá luôn cao hơn đường MA20. Vì vây, MSN đang tăng mạnh và thuyết phục nhà đầu tư.
Tuy nhiên với VIC, trạng thái điều chỉnh đã kéo dài được 3 tháng và tới nay, VIC thậm chí còn đang ở dưới đường MA200. Việc tăng giá của VIC sẽ khó làm nhà đầu tư yên tâm nắm giữ cổ phiếu này bởi xu hướng chính của VIC vẫn là điều chỉnh. Dù sao, VIC cũng đang đảm nhận sứ mệnh khó khăn vào thời điểm thị trường cần đến mã này.
Tiêu chí về thanh khoản của thị trường sẽ lại phụ thuộc rất nhiều vào cổ phiếu Ngân hàng hay HPG nhưng điều này vẫn là vấn đề dang dở khi nhiều mã chỉ đang tăng nhẹ. HPG (+1,5%) giao dịch tốt nhất trong trong rổ VN30 hiện đang mới đạt chưa đến 500 tỷ đồng, còn VPB (+1,7%), TCB (+0,8%), STB (+0,2%) cũng chưa có nhiều đột biến. 
Phản ứng của các mã Ngân hàng thời điểm này lại đang là sự đeo bám các tín hiệu của cổ phiếu trụ hơn là việc nhảy vào dẫn dắt tâm lý chung. Sự phân hóa vẫn còn hiện hữu khi một số mã như SSB (-3,2%), LPB (-1,1%), MSB (-0,9%) đang điều chỉnh giảm trái ngược với những mã kể trên.
Mã khỏe nhất trong nhóm Ngân hàng hiện lại SHB (+2,9%) trên HNX. Cổ phiêu này đã tỏ ra rất lì lợm trong 2 tuần vừa qua và còn gánh vác khá nhiều áp lực cho HNX. Ở phiên hôm qua, SHB cũng là mã tăng mạnh nhất trên cả 3 sàn sau khi có thông tin NHNN mở room tín dụng cho các ngân hàng. 
Hiện SHB đang giúp HNX-Index tăng lên 308 điểm, tiến gần sát đường MA20. Trong khi đó, VN-Index cũng hồi phục nhưng còn cách khá xa đường MA20, tăng hơn 9 điểm lên 1.303 điểm.