Giá cả ổn định, không tạo áp lực lạm phát cuối năm


(TBTCVN) – Dự báo giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong tháng 8/2019 sẽ không có nhiều biến động.


Có chuyên gia kinh tế nhận định, với mức tăng bình quân mỗi tháng từ nay đến cuối năm khoảng hơn 0,1%, lạm phát năm 2019 có thể duy trì ở mức thấp hơn kịch bản từ 3,3 – 3,9%, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.Giảm “nhiệt” nhiều mặt hàng thiết yếu 
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đây là lợi thế trong điều hành giá từ nay tới cuối năm.

Cân nhắc điều chỉnh giá một số hàng hóa theo thị trường

 Trong điều kiện dư địa lạm phát đang thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, tránh điều chỉnh đồng loạt vào cùng một thời điểm để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, đồng thời, tạo bước đệm thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2020.Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá

Điểm lại giá cả một số hàng hóa thiết yếu cho thấy, đã không còn căng thẳng như những thời điểm đầu năm. Giá xăng dầu được điều hành phù hợp với xu hướng của giá xăng dầu thành phẩm thế giới; có kết hợp điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trên thực tế, mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước thấp hơn mức tăng của bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Tại kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 1/8, liên Bộ Công thươngTài chính đã quyết định giảm giá xăng dầu. Những ngày gần đây, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng, giá xăng dầu thế giới tiếp tục chịu sức ép giảm giá mạnh, sẽ góp phần giảm áp lực trong điều hành đối với giá xăng dầu trong nước.
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nông sản dự kiến ổn định. Mặt hàng lúa gạo trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2018, giá gạo giảm khoảng 5001.850 đồng/kg tùy từng loại; giá thóc giảm khoảng từ 7501.900 đồng/kg tùy từng loại. Mặt hàng đường, sau khi giảm liên tục 4 tháng đầu năm, đã tăng trở lại từ tháng 5 do nhu cầu tăng cao vào dịp hè, nhưng tính chung so với cùng kỳ năm 2018, giá bán buôn vẫn ở mức thấp và theo xu hướng giảm. Giá thực phẩm tươi sống được dự báo ổn định do nguồn cung không có nhiều biến động…
Một trong những nhóm hàng giá cả ổn định thời gian qua đó là mặt hàng thuốc trên thị trường. Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc công bố năm 2018 và thực hiện cho năm 20192020. Kết quả, đối với 25 hoạt chất đấu thầu tập trung, đã giảm được 2.294 tỷ đồng. Đối với 4 thuốc đàm phán giá, giảm được gần 552 tỷ đồng. Tuy tác động đến CPI không nhiều vì phần lớn các thuốc này không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI nhóm thuốc, dịch vụ y tế; nhưng việc giảm giá đối với gói biệt dược gốc và gói generic này sẽ giúp người bệnh giảm chi phí trong chữa bệnh.CPI cả năm ở mức khoảng 3%
Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2019 sẽ báo có một số  yếu tố tác động như biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường; việc điều chỉnh tiền lương cơ sở, yếu tố rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi có thể tác động đến mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… 
Ở chiều ngược lại, vẫn còn những yếu tố có thể làm giảm áp lực lên mặt bằng giá (giá một số mặt hàng dự báo ổn định như dịch vụ bưu chính, giá giảm như dịch vụ viễn thông, mặt hàng đường). Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản về tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định. Nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được bảo đảm.
Để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả thị trường trong các tháng cuối năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra ở mức dưới 4%, ngay trong những tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng – Trưởng ban đã lên 3 kịch bản điều hành giá trong năm 2019 để kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, góp phần đạt mục tiêu chung ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là mức lạm phát Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu phải kiên định mục tiêu thực hiện.
TS. Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) dự báo, lạm phát năm 2019 chỉ ở mức dưới 3%, bởi theo ông, mặt hàng có thể ảnh hưởng mạnh tới CPI đó là xăng dầu, sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với chỉ số CPI 7 tháng năm 2019 tăng trung bình 2,61%, nếu trong trường hợp từ nay tới cuối năm, CPI mỗi tháng tăng khoảng 0,1% thì lạm phát cũng ở mức hơn 3%. Tuy nhiên, ông cho rằng, các cơ quan quản lý không thể chủ quan; cần theo dõi sát diễn biến cung cầu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm… Ông Long cũng lưu ý điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản khoảng 1,8%, để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.


Minh Anh