Chủ tịch DigiNet Corp: Sống tốt nhờ “đắm đuối” với ERP

Doanh nhân Sài Gòn

Gần 20 năm phát triển giải pháp quản lý doanh nghiệp, Công ty CP Định Gia Nét (DigiNet Corp.) là số ít công ty phần mềm cạnh tranh vững vàng trên thị trường sau rất nhiều biến động. Chủ tịch DigiNet Corp. – Trần Đào Anh chia sẻ: “Bởi chúng tôi đã dốc sức để sản phẩm làm ra ngày càng sâu, càng tinh”. 

* Cơ duyên nào mà từ chuyên ngành ngôn ngữ ông trở thành người làm phần mềm?

– Nhiều năm quản lý các dự án xây dựng nhà máy của Nissho Iwai – một tập đoàn Nhật Bản gắn bó với Việt Nam khá sớm. Đến những năm đầu thập niên 1990, thị trường IT bắt đầu sôi động, tôi tham gia nhiều hội thảo do Intel, HP, IBM, Microsoft tổ chức, thế là tinh thần khởi nghiệp trỗi dậy.

Năm 1995 thì tôi bắt đầu khởi nghiệp vì tin là có cơ hội. Được Nissho Iwai trả một khoản tiền tương đối lớn, tôi mua hai máy tính Intel Pentium đắt nhất thời đó về nhà lập mạng viết code. Rồi cùng vài người bạn lập DigiNet chủ yếu kinh doanh phần cứng, ban đầu thì ổn, nhưng biên lợi nhuận giảm dần, bạn bè bỏ cuộc vì làm ăn khó quá. Năm 1998 tội tập trung vào phát triển phần mềm.

* Quá trình đó ra sao để giải pháp ERP của DigiNet bền bỉ đọ sức được trên thị trường cho đến nay?

– Đường hướng DigiNet thành hình rõ nét khi anh Nguyễn Đăng Tiến (Việt kiều, hiện là Phó chủ tịch DigiNet – PV) gia nhập Công ty. Với sự am tường công nghệ, anh Tiến đề xuất dotcom là xu thế. Chúng tôi đánh giá thấy ba xu hướng chính: phát triển game, phát triển ứng dụng công và phần mềm quản trị doanh nghiệp (DN). Rồi xác định tập trung phát triển giải pháp quản lý cho DN.

Lúc đó các phần mềm chủ yếu viết bằng ngôn ngữ lập trình Access hay Foxpro thì DigiNet đi vào công nghệ mới nhất trên nền Visual Studio 5.0. Phần mềm ra đời đã tận dụng được bộ công cụ trên Windows 98, cho giao diện khá bắt mắt. Tôi còn nhớ khi xong phần khung, đem đến triển lãm ở Dinh Thống Nhất đã thu hút khách hàng quan tâm và có ngay nhiều đơn hàng. Vì thế chúng tôi vừa có nguồn tiền vừa có thêm động lực khởi đầu cho sự phát triển.

Nhưng linh hồn của phần mềm DigiNet phải từ một bước ngoặt năm 2002, khi anh Tân gia nhập DigiNet (ông Nguyễn Duy Tân hiện là Tổng giám đốc DigiNet – PV). Anh Tân học quản lý phần mềm tại Đức, là người đã mang kỹ thuật Đức cộng với kinh nghiệm quản lý và triển khai ERP tại nhiều tập đoàn quốc tế về, làm thay đổi phương pháp tổ chức tài liệu, cách viết chương trình, cách triển khai phần mềm, thổi hơi thở hiện đại vào sản phẩm và giúp DigiNet thay đổi rất nhanh.

* Đó cũng là giai đoạn nhiều công ty khởi nghiệp về phần mềm. Bằng cách nào DigiNet qua được cuộc sàng lọc khắc nghiệt của thị trường để có vị trí như hiện nay?

– Cũng như bất cứ lĩnh vực nào, nghề ERP phải đạt độ tinh, chuyên sâu. Để phát triển, nhiều DN mở các mảng kinh doanh theo bề ngang, trong cùng thời gian chúng tôi đi theo chiều sâu. Việc đắm đuối với nghề ERP khiến mình vượt qua được những giai đoạn khó khăn và sản phẩm có sức hấp dẫn riêng.

Hồi trước, khi trình diễn giải pháp cho khách hàng, nhiều nghiệp vụ mình còn bỡ ngỡ, gần như mình thiết kế cái khung rồi mang ráp vào cái khung của khách hàng, nó dễ vênh. Còn bây giờ mình ngồi với họ để nói sâu về quản lý kho, về sản xuất, quy trình đơn hàng, chuỗi cung ứng… Điều đó giúp mình tạo khoảng cách trên thị trường, đáp ứng cho nhiều ngành nghề.

Cái thú vị của kinh tế suy thoái là nó đánh tan suy nghĩ về tài nguyên là vô tận. Kinh tế khủng hoảng, DN quan tâm nhiều hơn đến chi phí, làm cho thị trường mới mẻ hơn. Với DN phần mềm như DigiNet, trước đây phải cạnh tranh với rất nhiều phần mềm quốc tế như Oracle, Solomon, Exact… vốn lợi thế hơn nhiều, nhưng càng “đánh” mình càng trưởng thành, làm tài liệu theo chuẩn quốc tế, phần mềm viết đẹp, chuyên nghiệp, tổ chức sản xuất phần mềm nhanh, ít lỗi và có thể làm nhiều chương trình lớn.

 

Ngày trước đơn hàng 50 triệu đồng đã mừng, đến khi 1 tỷ thấy lớn lắm, nhưng giờ DigiNet có gần 600 khách hàng cơ hữu và cùng thời điểm triển khai khoảng 20 dự án, phần mềm từ vài modul đến hơn 60 modul như hiện nay. Đi qua khó khăn càng gắn với nghề, giúp mình tự tin sẽ còn tồn tại với nghề lâu dài và tốt đẹp.

* Là người đồng hành với các DN ở nhiều lĩnh vực, có lẽ ông có nhiều trải nghiệm thú vị?

– DigiNet trưởng thành cùng với khách hàng. Từ gắn bó với những DN nhỏ đến những công ty quy mô rất lớn. Ví dụ DigiNet triển khai toàn hệ thống cho hơn 30 công ty con của Tân Cảng để quản lý cảng biển, tàu bè, lai dắt tới tận cơ sở. Hoặc đồng hành cùng Novaland giai đoạn tập đoàn này phát triển bùng nổ, trong vài ba năm tăng 600%, công trình bất động sản từ 7 – 8 lên 60, nhân sự tăng tương ứng.

Triển khai hệ thống quản lý cho công ty này, DigiNet phải làm việc liên tục ngày đêm với khối lượng lớn, từ xử lý quy trình giao dịch bất động sản, xử lý nghiệp vụ cho đến khâu bàn giao chìa khóa và quản lý căn hộ. Nếu Novaland là DN tư nhân chớp thời cơ phát triển thì Saigontourist là trường hợp khác: cổ phần hóa để thay đổi. DigiNet cung cấp phần mềm kết nối toàn hệ thống cho Saigontourist, từ khách sạn, resort đến trung tâm đào tạo, khu du lịch. Chúng tôi gắn bó mật thiết với những lĩnh vực sản xuất thực phẩm, du lịch, khách sạn…

* Lĩnh vực công là thị trường “màu mỡ” nhưng DigiNet vẫn đứng ngoài cuộc…

– Đến giờ tôi vẫn thấy may mắn là mình đã nhạy cảm tránh được lĩnh vực ấy. Thị trường công là khổng lồ, nhìn đâu cũng thấy những đơn hàng lớn, từ kho bạc, thuế đến đường sắt, bệnh viện…, nhưng nó dành cho những công ty có kết nối đặc thù. Tôi nghĩ mình ở thôn quê thì gắn với quán nước, cây đa, sân đình, làm tốt cái mình có trước khi ra đường lớn kẻo chừng bị ngã, nên đã chọn giữ giá trị riêng. Ham muốn thì có nhưng biết rõ không đơn giản. Tuy nhiên, tôi đánh giá thị trường này đang chuyển biến mạnh, chừng vài ba năm nữa, các lĩnh vực phải điện tử hóa cao hơn để chia sẻ thông tin. Đơn giản là đến khi họ hết sức chịu đựng thì áp lực đó tạo ra xu hướng.

* Người ta bàn nhiều về sự lẫn lộn giữa tính thương mại và công nghệ trong công ty công nghệ Việt Nam. Quan điểm của ông?

– Công ty thương mại thì phải biết nắm bắt cơ hội. Công ty công nghệ thì nghiên cứu phát triển phải tiên phong. Công ty công nghệ mà ôm mảng thương mại thì tính thương mại sẽ cản trở tính công nghệ. DN thương mại thì đương nhiên khi thấy cơ hội là phải chộp ngay, không được bỏ lỡ, còn nhà phát triển công nghệ phải rất tĩnh, thậm chí thả hồn như nghệ sĩ. Văn hóa hai ngành này hoàn toàn khác nhau. Ví dụ Apple nghiên cứu phát triển iPhone. Trải qua hết các cung bậc từ ý tưởng, thai nghén sản phẩm, phát triển sản xuất cho đến kiểm thử, thị trường và hoàn thiện, họ rất khác với các công ty mua bán, bán mua.

* Ở góc độ chung của ngành phần mềm Việt Nam, ông thấy quá trình phát triển đó ra sao?

– Tôi may mắn là mỗi khi định bỏ cuộc thì lại có một cái “phao”. Nhưng cũng nhờ xác định “con nhà nghèo” nên lúc có nhiều tiền vẫn tập trung làm phần mềm, dù bị chê “khó gặm”, chứ không theo đuổi ngành khác, nhưng khi quay lại thì thấy mình cũng bỏ xa được nhiều đối thủ nên được khích lệ. Làm công nghệ nói chung đòi hỏi tính tập trung cao, khi làm nhiều thứ thì không thể đủ quyết tâm.

Cuộc “thử lửa” để lại cho tôi nhiều suy nghĩ. Có những khách hàng gắn bó với mình từ ngày đầu tập tễnh đến giờ, có DN bỏ mình để mua giải pháp nước ngoài, có DN xài giải pháp nước ngoài thất bại lại đặt hàng mình. Nhiều công ty lớn trong nước làm các mảng phần mềm giờ gần như bỏ cuộc, chỉ tập trung “đánh sản phẩm” từ nước ngoài. Có những DN nhỏ làm ra giải pháp rất xịn, concept ra đời trước cả Google hay Facebook nhưng không có hướng ra. Nhiều đồng nghiệp mất tài sản vì làm phần mềm GIS, quản lý bệnh viện với cả tài năng lẫn đam mê nhưng thất bại dù không phải sản phẩm tồi.

* Vốn cho startup luôn là chuyện thời sự, DigiNet đã trải qua thế nào?

– Tôi nhớ lúc cần vốn, ông Dominic Scriven từ Quỹ Đầu tư Dragon Capital đã trả giá mua trọn công ty của chúng tôi chỉ 90.000USD dù định giá cao hơn. Tôi nghĩ: “Quái, startup Việt Nam sao bèo thế này”. Trước khi về Dominic Scriven vẫn còn thòng câu: “Bao giờ nghĩ lại thì gọi cho tôi”. Nhưng tôi đã không bao giờ gọi lại và tiếp tục làm. Số tiền đó vào lúc ấy với mình cũng to lắm. Tôi nghĩ nhiều công ty vì thiếu tiền phát triển nên đành chấp nhận bán rẻ.

Đến 2008, một đối tác Nhật Bản định giá DigiNet 12 triệu USD. Chúng tôi chỉ bán 5% cổ phần đã nhận được khoản tiền lớn và đầu tư tăng tốc, mọi thứ tiến triển khá nhanh, mình đủ sức phục vụ cho các tập đoàn Nhật. Nhưng khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra, năm 2012, đối tác rút ý định đầu tư để niêm yết và chúng tôi mua phần vốn thoái lại. Mình đương đầu với kinh tế suy thoái, bây giờ thì tự tin cạnh tranh với bất cứ công ty nước ngoài nào trong cùng lĩnh vực với lợi thế riêng.

* Vậy ông nghĩ gì về trào lưu khởi nghiệp hiện nay?

– Khởi nghiệp ở Việt Nam không như ở Israel hay Singapore. Thấy ý tưởng có lợi, nhà nước hay nhà đầu tư các nước ấy lập tức đổ tiền vào, họ không chỉ trở nên giàu mà sự hưng phấn làm cho ý tưởng dễ dàng đi vào thực tiễn. Thị trường Việt Nam chi tiêu công nghệ chủ yếu từ bên ngoài. Công nghệ khi có đông người dùng là thăng hoa, nên cần bệ đỡ, cần tầm nhìn nâng đỡ sự mới mẻ với tinh thần cách tân cao.

Lõi công nghệ là lập trình, thuật toán, nên về cơ bản kiến thức phát triển giống nhau, nhưng làm con chip khác phần mềm, tạo ra Foody khác kinh doanh như Lazada. Cái khác nhau là chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm khác nhau, độ tinh xảo khác nhau cho ra vị trí khác nhau. Người Việt thông minh về toán nhưng cũng không thể bằng Trung Quốc hay Israel. Mình có người giỏi nghề nhưng khó tạo được xu hướng, vì vậy đòi hỏi môi trường sáng tạo và rất nhiều yếu tố cộng hưởng. Các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay có lợi thế về công nghệ nhưng kinh nghiệm, mạng lưới và sự nhạy cảm chưa đủ chín, phải rất thông minh mới vượt qua. Việc loay hoay gọi vốn có thể làm hao tổn tính tập trung.

* Những dự tính và thách thức phía trước của DigiNet là gì?

– Vẫn trung thành với ERP. Nỗ lực cung cấp những công cụ sắc sảo, hữu hiệu cho DN là sứ mệnh của DigiNet. Ở châu Âu có những tập đoàn hơn trăm năm chỉ làm mỗi một thứ. Ví dụ có công ty chỉ làm mỗi bút chì mà có cả bút chì cho phi hành gia, có công ty chỉ làm bánh kẹo và luôn sáng tạo. Cũng không phải DigiNet không đủ dũng cảm nhảy vào nơi mới, nhưng ngành này rất rộng, vẫn ERP nhưng trên cái nền đó làm ra sản phẩm mới sâu và tinh, gắn với những đòi hỏi mới.

Chẳng hạn chúng tôi nghiên cứu giải pháp ERP cho nông nghiệp kỹ thuật cao, đi sâu vào từng lĩnh vực. Với xu hướng cloud, khi DN di chuyển lên nền tảng mới, mình phải có các ứng dụng tiếp theo. Rồi trào lưu 4.0 liên quan đến tự động hóa và AI (trí tuệ nhân tạo), phải nghiên cứu đưa vào phần mềm dự báo. Dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy sẽ tự động hóa, robot vận hành liên tục nhả ra dữ liệu, việc bắt những dữ liệu đó đưa vào ERP để xử lý và ra báo cáo đang là thách thức phải đón nhận. Công nghệ phân tích dữ liệu đang làm thay đổi tất cả, là tương lai của nền kinh tế số. Với tác động của nó thì phải chuẩn bị kỹ.

* So sánh bây giờ với lúc bắt đầu, ông thấy các mô hình kinh doanh đã chuyển đổi đến đâu?

– Giai đoạn đầu tiên là “khởi nghiệp ngây thơ” và bồng bột, đầy “màu hồng” khi Việt Nam vừa mở cửa hội nhập. Sau đó gặp suy thoái thì thấy gì cũng than phiền, nhìn đâu cũng bế tắc, ngõ cụt. Nhưng sự thú vị của nó là từ đó mà DN có cái nhìn thực tiễn hơn về thị trường, về vốn, công nghệ, hay nguồn nhân lực. Các DN không còn “bay bổng” nữa và xây dựng công ty thực chất hơn.

Tôi nghĩ 10 năm tới là cuộc “thử lửa” thật sự của DN Việt Nam ở “sân chơi” quốc tế. Hiện nhiều DN đã ra nước ngoài nhưng giai đoạn tới sẽ có những sản phẩm, thương hiệu tầm vóc toàn cầu do người Việt làm chủ. Quá trình đó không tự dưng có được, phải trải qua tôi luyện và trả giá để có một lớp doanh nhân mới tự tin tỏa sáng. Khi có cộng đồng nhà quản lý đủ đông và chất lượng cao thì mới có DN lớn chứ không thể “nước lã mà vã nên hồ”. Kinh tế thay đổi khi con người thay đổi và sẽ có một thị trường tạo ra sự hưng phấn để các công ty công nghệ phát triển, khai phá cơ hội.

>> 5 bước giúp triển khai thành công ERP trên đám mây

TUYẾT ÂN