Sau 10 tuần, khủng hoảng chính trị đang dần trở thành khủng hoảng kinh tế ở Hồng Kông?

Cuộc khủng hoảng chính trị của Hồng Kông có thể sẽ trở thành cuộc khủng hoảng về kinh tế.
Sau khi người biểu tình chiếm đóng sân bay của Hồng Kông và làm tê liệt hoạt động tại sân bay này trong ngày thứ Hai, nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp ngày một lo lắng về tác động của các cuộc biểu tình chống chính quyền đã kéo dài 10 tuần và chưa có dấu hiệu dịu bớt, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải. 
Hiện tại, nhiều chuyên gia lo ngại rằng kinh tế Hồng Kông đang hướng đến suy thoái bởi bất ổn kết hợp với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đe dọa tác động xấu đến doanh số bán lẻ, làm sụt giá bất động sản và nhấn chìm thị trường chứng khoán có tổng giá trị vốn hóa ước chừng khoảng 4,9 nghìn tỷ USD. 
Thế nhưng một mối lo lớn hơn chính là vị thế trung tâm thương mại an toàn và đáng tin cậy của Hồng Kông sẽ chịu nhiều tác động nặng nề, điều này tiềm ẩn khả năng gây ra cú sốc chết người với nền kinh tế vốn đã nổi danh thân thiện với doanh nghiệp, trở thành cửa ngõ giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.
Chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, ông Rory Green, nhận xét: “Trong dài hạn, điều này tiềm ẩn rủi ro đến vị thế của Hồng Kông trong vai trò trung tâm tài chính quốc tế”.
Nhìn chung, cho đến hiện tại, khá nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng của Hồng Kông Thành phố này từng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, trải qua từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990 cho đến dịch SARS năm 2003.
Và trong khi người đứng đầu Hồng Kông chưa thể đưa ra được giải pháp gì nhằm giải quyết tình hình bất ổn tại Hồng Kông, bà khẳng định rằng chính quyền đang cân nhắc về các biện pháp cứng rắn nhằm vực dậy tăng trưởng. Nhiều người có quan điểm lạc quan trong khi đó cho rằng các cuộc biểu tình cuối cùng sẽ tự dịu đi mà không gây ra nhiều hậu quả tồi tệ về kinh tế giống như phong trào Ô Vàng 5 năm trước đây.
Chuyên gia quản lý quỹ tại Shenzhen JM Capital Co ở Thâm Quyến, ông Zhuang Jiapeng, nhận xét: “Những ai từng mua cổ phiếu Hồng Kông trong thời kỳ biểu tình năm 2014 giờ đây đang lãi”.
Cũng giống như nhiều chuyên gia khác tại Trung Quốc, ông Zhuang đã không ngừng mua cổ phiếu Hồng Kông trong những tuần gần đây. Nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục đã không ngừng mua vào cổ phiếu Hồng Kông thông qua một số kết nối liên biên giới trong suốt 17 ngày qua.
Thế nhưng dù nhiều nhà đầu tư mua vào như vậy, điều đó cũng không ngăn được làn sóng bán ra của nhà đầu tư quốc tế. Cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông đã mất khoảng 500 tỷ USD giá trị thị trường tính từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào đầu tháng 6/2019, các chỉ số chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất trong 7 tuần sau khi các cuộc đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát trở thành đụng độ bạo lực.
Giám đốc điều hành tại quỹ Uob Kay Hian ở Hồng Kông, ông Steven Leung, nhận xét: “Tình hình bất ổn hiện giờ tồi tệ hơn tôi kỳ vọng, nếu chúng ta vẫn tiếp tục tình trạng này mỗi tuần, chẳng nhà đầu tư nào sẽ muốn mua tài sản ở Hồng Kông”.