Lạm phát Việt Nam đã ở vùng đỉnh?

Ảnh minh họa/Shutterstock

Một số chuyên gia nhìn nhận lạm phát và giá cả hàng hóa đã tăng cao nửa đầu năm 2022 nên trong nửa cuối năm có thể không tăng nữa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lưu ý không nên chủ quan, bởi áp lực lạm phát còn rất lớn.

 

Trong nửa đầu năm 2022, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất leo thang khiến lạm phát tại nhiều quốc gia tăng cao.

Điển hình tại Mỹ, chỉ số lạm phát tháng 5 lên tới 8,6%, mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua. Tương tự, giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone trong tháng 6 tăng 8,6%, vượt mức kỷ lục 8,1% ghi nhận trong tháng 5.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, lạm phát toàn cầu tính đến quý 2/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008 (khi đó, lạm phát là 9,2%).

Trong nước, 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt với mức tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước; giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92%; giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng cũng tăng 3,5%, trong khi giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,95%… Tuy nhiên, bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số CPI của Việt Nam chỉ tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%).

Con số thống kê CPI đã sát thực tế?

Bình luận về con số CPI 6 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, có được kết quả trên trước hết cần phải ghi nhận nỗ lực điều hành của Chính phủ và các cơ quan liên quan để giữ cho nhiều mặt hàng không tăng giá quá cao dẫn đến lạm phát tăng mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhìn nhận con số CPI này còn thấp hơn so với CPI thực tế và những người làm công tác thống kê cần gần hơn với “bữa cơm của từng gia đình” để đưa ra con số chính xác làm cơ sở cho các nhà điều hành chính sách. Theo ông, con số CPI thực 6 tháng đầu năm có thể đã vượt 3% và cả năm 2022 CPI có thể lên 4,5-5%.

Chứng minh nhận định trên, ông Phú cho rằng, quyền số để tính CPI mới có hơn 700 mặt hàng trong đó có 31% là lương thực, thực phẩm, còn lại là các mặt hàng khác. Trong khi cuộc sống có hàng nghìn mặt hàng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp cũng hàng nghìn mặt hàng. Cho nên chỉ đảm bảo khoảng 70% thực tế giá cả. Bên cạnh đó, việc khảo sát giá chủ yếu ở nhóm chợ nhưng giá ở các chợ không niêm yết nên khó có thể phản ánh trọn vẹn.

“Một trong những nguyên nhân lớn giúp CPI của Việt Nam giữ được ở mức 2,44% là do chủ động được nguồn cung nhiều loại lương thực, thực phẩm chứ không phải như nhiều nước phải đi nhập khẩu”, ông Phú nói.

Thứ nữa, ông Phú cho rằng, đáng nhẽ CPI còn có thể thấp hơn nhưng do các giải pháp giảm giá xăng dầu thực hiện chậm nên người dân, doanh nghiệp vẫn phải chịu mua xăng dầu giá cao, và phải tiết kiệm chi tiêu. Nếu thực hiện được các giải pháp giảm giá xăng dầu sớm hơn thì CPI 6 tháng đầu năm còn thấp hơn nữa.

Cũng theo vị chuyên gia, bài toán đặt ra từ nay đến cuối năm, là phải gỡ được nút thắt là giá xăng dầu. Cần giảm nhanh, giảm mạnh giá xăng dầu xuống hơn 20.000 đồng/lít thông qua giảm phần lớn các loại thuế, phí với xăng dầu thì người dân, doanh nghiệp mới “chịu đựng” được và như thế kinh tế mới tiếp tục phát triển.

“Tôi không phản đối việc tăng giá xăng dầu nhưng tăng giá làm thế nào để doanh nghiệp, người dân có thể chịu đựng được, đó mới là điều quan trọng. Khi đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp ổn định và phát triển thì số tiền nộp ngân sách sẽ tăng lên, thậm chí số nộp ngân sách còn cao hơn số tiền giảm thuế, phí với xăng dầu”, ông nói.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh nếu không điều hành tốt hệ thống cung cầu, tổ chức tốt hệ thống phân phối, kiểm soát được thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như không tạo được cung cầu gặp nhau, đặc biệt không cởi được nút thắt xăng dầu thì lạm phát cả năm chắc chắn trên 4%.

Lạm phát đã ở vùng đỉnh hay sẽ còn tăng?

Cùng nêu quan điểm về áp lực lạm phát những tháng cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng thực ra lạm phát và giá cả hàng hóa đã tăng cao trong nửa đầu năm nên trong nửa cuối năm giá hàng hóa thế giới có thể không tăng nữa, thậm chí có thể giảm, cho nên lạm phát sẽ ổn định dần; mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn khả thi và đâu đó chỉ quanh 3%.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhìn nhận mặc dù nỗi lo lạm phát vẫn gia tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào từ xăng dầu, sắt thép cho đến các hàng hóa đều tăng lên, tuy nhiên, sự tăng giá này đã diễn ra rồi, cho nên hiện nay nếu có tăng tiếp thì tăng rất ít, đây chưa phải vấn đề quá lớn.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) không nên quá lạc quan khi nhìn vào con số CPI 6 tháng đầu năm vì con số tính toán vẫn thấp hơn thực tế và sức ép tăng giá của nền kinh tế hiện nay rất lớn, đặc biệt lan tỏa từ sự tăng giá của xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, phân bón trong nông nghiệp.

“Sức ép tăng giá trong nông nghiệp hiện nay rất lớn và nó làm tăng giá lương thực, thực phẩm thời gian tới cũng như sẽ phản ánh rất rõ vào chỉ số CPI bởi trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam, lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn”, PGS. TS. Phạm Thế Anh nói.

Cũng như chuyên gia Vũ Vinh Phú, Kinh tế trưởng VESS cho rằng giải pháp quan trọng nhất lúc này là phải kêu gọi Chính phủ hỗ trợ chi phí sản xuất, đặc biệt hạ giá xăng dầu, thuế xăng dầu và các loại nguyên liệu sản xuất khác.

“Nếu bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt cộng thêm với giảm 50% VAT hoặc xóa bỏ hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu thì sẽ là hỗ trợ rất lớn”, ông nói và phân tích thêm giá xăng dầu có tác động lan tỏa về mặt chi phí đến rất nhiều ngành nghề trong nền kinh tế, nhất là giao thông vận tải cho nên việc giảm thuế sẽ có tác động rất tích cực. Còn nếu giảm nhỏ giọt 500-1.000 đồng thì không mấy tác động.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, áp lực lạm phát đang tăng và là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, CPI chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ nhưng cũng không thể chủ quan.

Theo ông Lực, hiện nay giá cả hàng hóa trên thế giới vẫn đang tăng lên và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều. Do đó, câu chuyện nhập khẩu lạm phát vẫn có thể xảy ra với Việt Nam. Bên cạnh đó, một số khoản như học phí, thuế hay lương cơ bản,… cũng bắt đầu tăng từ 01/7 nên chưa thể hiện trong chỉ số lạm phát nửa đầu năm.

Ông cũng cho rằng, hiện giá xăng dầu mới chỉ tác động làm tăng lạm phát chủ yếu qua tăng chi phí giao thông và sắp tới giá xăng dầu sẽ tác động rõ rệt hơn tới lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng.

Ngoài ra, độ trễ của cung tiền cũng là một vấn đề gây sức ép lên lạm phát từ nay đến cuối năm, tiền giải ngân vốn đầu tư công hay chương trình phục hồi sẽ nhanh hơn và nhiều hơn. Khi đó, những yếu tố này sẽ đè nặng lên áp lực lạm phát.

Từ những áp lực trên, TS. Cấn Văn Lực dự báo CPI cả năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 3,8-4,2%, có thể cao hơn mục tiêu 4% song đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi.