Chú trọng kiểm soát chi để giải ngân nhanh vốn đầu tư





(TBTCVN) – Trong nhiều năm gần đây, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình luôn đứng trong “top” 5 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao nhất cả nước.




Cầu Thái Bình được xây dựng bằng nguồn vốn NSNN đã thay đổi điện mạo của địa phương. Ảnh: Hạnh Thảo





Có được kết quả này, theo Phó giám đốc KBNN Thái Bình Nguyễn Trung Kiên, do đơn vị đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, đặc biệt là luôn sát sao cùng dự án…
Vươn lên vị trí thứ 2 trong giải ngân vốn đầu tư
Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết, năm 2017, công tác kiểm soát chi (KSC) đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN chịu tác động của nhiều quy định, chính sách mới như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN)… Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước chưa cao.
Ngoài những khó khăn kể trên, tại KBNN Thái Bình, công tác KSC vốn đầu tư còn gặp một số khó khăn nhất định do năng lực quản lý của một số ban quản lý dự án và chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được quyền hạn phân cấp. Một số dự án nhóm A (dự án lớn) đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao nhưng trên thực tế, công tác điều hành thực hiện không hoàn toàn theo cơ chế quy định đối với hình thức này. Hơn nữa, sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống ngành Tài chính chưa thực sự chặt chẽ.
Tuy nhiên, với chức năng của mình, KBNN Thái Bình đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Đặc biệt, theo ông Kiên, tại KBNN Thái Bình, lãnh đạo phụ trách KSC thường xuyên chỉ đạo công chức nghiệp vụ đi cơ sở và theo dõi sát sao báo cáo hàng tháng để nắm bắt chính xác tình hình thanh toán vốn của từng dự án. Đồng thời, cán bộ nghiệp vụ phải thường xuyên rà soát, thống kê, thông báo nhắc nhở đối với các dự án có kế hoạch vốn quá 3 tháng mà chưa gửi hồ sơ pháp lý hoặc chưa thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.
Định kỳ hàng tháng, quý, KBNN Thái Bình thông báo cho các chủ đầu tư về tình hình giải ngân của dự án để các ban, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, cũng như có biện pháp thúc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Theo ông Kiên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các dự án có tiến độ giải ngân chậm để có thể kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp với khả năng thực hiện, tránh tình trạng đến cuối năm mới điều chỉnh gây khó khăn cho việc thực hiện của dự án và lãng phí vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, KBNN Thái Bình còn rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ cho các cán bộ KSC bằng các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt trao đổi, nghiên cứu nghiệp vụ. Vì vậy, mỗi cán bộ KSC đều nắm vững quy định, chính sách để hướng dẫn cụ thể cho khách hàng; tránh tình trạng khách hàng phải đi lại nhiều lần để hoàn tất các thủ tục thanh toán.
Với các biện pháp đã thực hiện, năm 2017, KBNN Thái Bình đã vươn lên vị trí là đơn vị thứ 2, có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, với tỷ lệ giải ngân đạt 92% kế hoạch được giao.
Làm tốt vai trò tham mưu
Là cơ quan quản lý, điều hành quỹ NSNN trên địa bàn, KBNN Thái Bình không chỉ làm tốt công tác nội bộ mà còn tạo dựng và củng cố mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, đoàn kết với các ban, ngành, địa phương để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình KSC. Đặc biệt, đơn vị luôn tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo địa phương và sự phối hợp của Sở Tài chính, để nắm bắt kịp thời tình hình phân bổ vốn cho các công trình, dự án. Từ đó, KBNN đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã có kế hoạch vốn, nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi về kho bạc. Kho bạc có thể kiểm tra, hướng dẫn bổ sung khi có thiếu sót và sẵn sàng giải ngân nhanh nguồn vốn khi đơn vị có khối lượng hoàn thành.
Từ những việc làm này, KBNN Thái Bình đã được các cấp, ngành tín nhiệm và trở thành “cầu nối” giúp hòa giải, tháo gỡ các vướng mắc khi có tranh chấp xảy ra giữa chủ đầu tư và nhà thầu do hồ sơ thanh toán còn thiếu dẫn đến tồn đọng, không quyết toán được vốn đầu tư.
Là đơn vị giao dịch với KBNN Thái Bình đã nhiều năm, ông Bùi Thế Dân, Giám đốc Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng huyện Thái Thụy, Thái Bình cho biết: “Năm 2016, chúng tôi giải ngân 250 tỷ đồng qua KBNN Thái Bình. Năm 2017, cơ chế, chính sách có thay đổi nên nguồn vốn chủ yếu chuyển về huyện và chúng tôi giải ngân chủ yếu qua KBNN huyện Thái Thụy ước khoảng 40 tỷ đồng. Qua giao dịch chúng tôi thấy, dù là kho bạc tỉnh hay kho bạc huyện, việc giải ngân vốn đều được giải quyết rất nhanh. Trong quá trình giao dịch, đôi khi hồ sơ thanh toán của chúng tôi còn thiếu thủ tục này, thủ tục kia, nhưng các cán bộ trực tiếp làm công tác KSC đã hướng dẫn tận tình, chi tiết… Đối với những hồ sơ còn vướng mắc, phải hoàn thiện, bổ sung chứng từ cũng chỉ mất khoảng 5 ngày làm việc. Chúng tôi ghi nhận sự tận tình của các cán bộ KBNN”.




Vân Hà