Sau cú sốc thông tin, CEO của DGW mong muốn cổ đông biết rõ về doanh nghiệp hơn là chỉ “3 chữ cái”

CEO Đoàn Hồng Việt trong một sự kiện của Xiaomi.

Sự kiện gặp mặt nhà đầu tư chiều 8/2 giành được nhiều sự chú ý sau khi cổ phiếu DGW bị bán tháo cuối tháng 1 do mất vị thế độc quyền phân phối thương hiệu Xiaomi…

BizLIVE –
Sự kiện gặp mặt nhà đầu tư chiều 8/2 giành được nhiều sự chú ý sau khi cổ phiếu DGW bị bán tháo cuối tháng 1 do mất vị thế độc quyền phân phối thương hiệu Xiaomi…
0:00 / 0:00
0:00

CEO Đoàn Hồng Việt trong một sự kiện của Xiaomi.

CEO Đoàn Hồng Việt trong một sự kiện của Xiaomi.

CTCP Thế giới số (DGW) vừa tổ chức buổi họp mặt nhà đầu tư trực tuyến ngay trong tuần giao dịch đầu tiên của xuân Nhâm Dần. Sự kiện này được đặc biệt chú ý bởi giá cổ phiếu DGW có những phiên chao đảo trước Tết do thông tin Công ty mất vị thế nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Xiaomi tại Việt Nam.

DGW cho biết tháng 1/2022 đạt doanh thu 3.060 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ và Công ty đặt mục tiêu quý 1/2022 đạt doanh thu 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng.

Sau cú sốc thông tin, CEO của DGW mong muốn cổ đông biết rõ về doanh nghiệp hơn là chỉ "3 chữ cái" ảnh 1

Kế hoạch kinh doanh của DGW.

Còn trong cả 2022, Công ty vẫn hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao: doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng, LNST là 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và tăng 22% so với năm 2021. DGW có thể chia cổ tức 10% tiền mặt và 50% cổ phiếu và sẽ trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Trả lời những lo lắng của nhà đầu tư về việc mất vị thế độc quyền trong phân phối thương hiệu Xiaomi, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc của DGW không cho rằng việc mất vai trò nhà phân phối độc quyền là thực sự quan trọng. Biên lợi nhuận không đồng nghĩa sẽ bị giảm đi do có thêm đối thủ cạnh tranh.

Xiaomi có kế hoạch tăng trưởng mạnh hơn tại Việt Nam nên việc có thêm nhà phân phối cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là câu chuyện vẫn xảy ra sau giai đoạn DGW tiên phong đưa về các thương hiệu như Acer (2001), Dell (2006), Xiaomi (2017) và kể tới đây là Whirlpool (2022).

Để tránh các cú sốc thông tin, DGW sẽ tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt nhà đầu tư theo quý và cũng mong muốn nhà đầu tư tìm hiểu sâu về doanh nghiệp hơn là chỉ “3 chữ cái” trên sàn chứng khoán.

Về việc quỹ ngoại bán mạnh cổ phiếu DGW khiến giảm sâu, CEO của DGW cho rằng đây là những hành động chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư tài chính và họ phản ứng theo kỳ vọng riêng. DGW hiện không có cổ đông chiến lược nước ngoài và không có kế hoạch bán vốn. Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng sẽ không giảm tỷ lệ sở hữu.

Trong khi đó, về mảng kinh doanh Laptop và máy tính bảng, Công ty cho biết nhu cầu không còn nóng như giai đoạn giãn cách nhưng người tiêu dùng vẫn có nhu cầu cao cho việc học tập và làm việc. Mục tiêu tăng trưởng của mảng Laptop vẫn được kỳ vọng ở mức 19%.

Mảng thiết bị gia dụng được kỳ vọng sẽ đem về doanh thu trong quý 2/2022 khi DGW trở thành phân nhà phân phối độc quyền thương hiệu Whirlpool rất được ưa chuộng tại Bắc Mỹ. Cùng với đó, Công ty cũng sẽ phân phối một thương hiệu đồ gia dụng khác của Trung Quốc khác là Joyoung.

Thương hiệu Xiaomi chưa được DGW đẩy mạnh phân phối trong mảng thiết bị gia dụng là do Xiaomi chỉ mới ưu tiên cho thị trường Trung Quốc. DGW là đơn vị nhập khẩu chính ngạch nên chưa thể đem về Việt Nam. Ngoài ra, thuế suất của một số mặt hàng cũng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Sau cú sốc thông tin, CEO của DGW mong muốn cổ đông biết rõ về doanh nghiệp hơn là chỉ "3 chữ cái" ảnh 2

Chiến lược phát triển theo chiều dọc và chiều ngang của DGW trong dài hạn.

Về chiến lược phát triển 3 – 10 năm tới, DGW thêm các nhãn hàng mới trong lĩnh vực F&B, thiết bị công nghiệp, bên cạnh các ngành ICT, thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng, dược phẩm đã tồn tại. Cùng với đó, Công ty sẽ nghiên cứu các sản phẩm mang thương hiệu riêng cũng như tiến hành M&A.

Mai Hương