Lộ diện nhóm nhà đầu tư “đặt chân” vào dự án khu đô thị 4.500 tỷ đồng ở Ninh Thuận

Lộ diện nhóm nhà đầu tư “đặt chân” vào dự án khu đô thị 4.500 tỷ đồng ở Ninh Thuận

Tại quyết định vừa ban hành, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quyết định công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Tại quyết định vừa ban hành, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gồm Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty Cổ phần Bất động sản Đông Đô – Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Chiến, ông Kiều Anh Tuấn) là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án.
Để thực hiện quyết định trên, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung nộp hồ sơ trình Quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná theo quy định tại khoản 5 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ.
Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận vừa công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Theo phê duyệt, dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná nằm trên địa phận xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam với quy mô hơn 64 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.500 tỷ đồng. 
Dự án được thực hiện trong thời gian 6 năm kể từ ngày được lựa chọn nhà đầu tư.
Cụ thể: Giai đoạn triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư một năm; hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm; công tác đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trong 2 năm; công tác đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất thời gian hoàn thành trong 1,5 năm.
Hiện trạng khu đất là đất ở, đất thể dục thể thao, đất làm muối, đất trống chưa sử dụng, đất mặt nước, đất giao thông.
Mục tiêu xây dựng dự án nhằm hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với khu dân cư hiện hữu tại xã Phước Diêm; phục vụ một phần nhu cầu làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cảng biển và khu điện khí LNG,…
Theo yêu cầu, nhà đầu tư thực hiện dự án phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 30% tổng mức đầu tư của dự án trở lên (tương đương 1.347 tỷ đồng trở lên). Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh…