Ba kịch bản kinh tế giai đoạn 2021-2023 qua góc nhìn CIEM

CIEM đưa ra 3 kịch bản: “Bình thường”, “Nới lỏng tài khoá và tiền tệ”, “Nới lỏng tài khoá và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế”…

Tại Hội thảo công bố báo cáo “Thúc đẩy phục hội kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam” diễn ra sáng nay (22/4), ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đặt vấn đề, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mới.
Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi COVID-19 kết thúc. Chính việc bảo đảm các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dù cũng là một yêu cầu rất thách thức.
Phân tích về giai đoạn hiện tại, ông Dương cho hay, ngay cả trước đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến những dấu hiệu suy giảm, và đánh giá triển vọng tăng trưởng còn bất định, kể cả ở các nền kinh tế chủ chốt. Hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, rủi ro địa chính trị, giá hàng hóa giảm, v.v. Hầu hết các nước đều nhìn nhận yêu cầu tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số, song không ít quốc gia còn chậm cụ thể hóa thành chính sách trong nước.
Đại dịch COVID-19 bùng phát đã làm trầm trọng thêm những rủi ro trên đối với kinh tế toàn cầu. Ở một mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng buộc các nền kinh tế, dù phát triển hay đang phát triển, phải đẩy nhanh những cải cách thể chế, đặc biệt là gắn với tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kinh tế số.
Đối với Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, Chính phủ vẫn kiên định với các yêu cầu bứt phá và ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách sâu rộng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Tư duy ban hành chính sách đã có những chuyển biến theo hướng tôn trọng tinh thần tự do kinh doanh, chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhấn mạnh việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều chuyển biến, nổi bật với việc ký kết CPTPP, EVFTA và EVIPA.
Tuy vậy, cải cách và điều hành chính sách vẫn bộc lộ một số hạn chế như: cải cách nền tảng kinh tế vi mô mới chỉ tập trung vào gia nhập thị trường; động lực thực thi vẫn là một vấn đề cần cải thiện.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới nhiều ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là du lịch. Tuy vậy, năm 2020 cũng ghi nhận một số ngành sản xuất có tăng trưởng nổi bật như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; hay sự phát triển một số ngành nghề mới như dịch vụ số, thương mại điện tử, sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế.

3 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 2021-2023
Trong giai đoạn 2021-2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản: “Bình thường”, “Nới lỏng tài khoá và tiền tệ”, “Nới lỏng tài khoá và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế”.
Trong đó, đối với kịch bản 1, mức thận trọng nhất, GDP 3 năm tới sẽ lần lượt tăng trưởng ở mức 5,98, 6,45 và 6,61%. 
Với kịch bản thứ 2, nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Tăng trưởng GDP ở kịch bản này được dự đoán ở mức 6,43, 6,8 và 6,83% tương ứng với các năm 2021, 2022 và 2023.
Kịch bản thứ 3, nới lỏng tài khoá và tiền tệ song hành với cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Tăng trưởng GDP ở kịch bản này được dự đoán ở mức 6,47, 6,88 và 6,92% tương ứng với các năm 2021, 2022 và 2023.
Về lộ trình cải cách, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM khuyến nghị: Năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động kết hợp với cải cách thể chế kinh tế.
Năm 2022 cần kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế và bước sang năm 2023 nên rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế.
“Về ngắn hạn hay dài hạn Việt Nam đều phải thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát dịch bệnh. Các kịch bản kinh tế trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kiểm soát dịch bệnh, nếu Việt Nam kiểm soát tốt chúng ta sẽ đạt được kết quả lạc quan nhất với mức tăng trưởng GDP từ 6,7% trở lên mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023 bất chấp bối cảnh tiêu cực trên thế giới”, bà Minh nhận định.