Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ không khỏi băn khoăn về những rủi ro tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần mất điểm thứ 4 liên tiếp.
Các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường phố Wall có tuần giảm sâu nhất tính từ đầu năm 2023 sau khi tiếp tục ghi nhận phiên giảm điểm mạnh vào ngày thứ Sáu.
Nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng sẽ có thêm những đợt nâng lãi suất mạnh tay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số liệu kinh tế Mỹ cho thấy người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu mạnh tay.
Đối với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones, mức hạ đến 3% trong tuần cho thấy tuần mất điểm sâu nhất tính từ tháng 9/2022. Đây cũng là tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số Dow Jones, chuỗi ngày giảm điểm dài nhất trong gần 10 tháng.
Tính trong tuần, chỉ số S&P 500, chỉ số Nasdaq hạ lần lượt 2,7% và 3,3%.
Sau tháng 1/2023 tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong tháng này khi mà nhiều số liệu kinh tế làm át đi những nỗi lo rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Theo số liệu công bố vào ngày thứ Sáu, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số ưa thích của Fed, tăng 0,6% trong tháng vừa qua sau khi tăng chỉ 0,2% trong tháng 12/2022. Tiêu dùng cá nhân, yếu tố đóng góp ước tính khoảng 2/3 vào hoạt động kinh tế Mỹ, tăng 1,8% trong tháng vừa qua và cao hơn mức tăng trưởng 1,3%.
Trưởng bộ phận đầu tư tài sản cá nhân tại quỹ Glenmede, ông Jason Pride, nói rằng các chu kỳ thị trường trước đây đã chứng kiến những phản ứng tương tự của thị trường với các đợt nâng lãi suất và công bố dữ liệu, nó giải thích cho mô hình giao dịch biến động khi mà nhà đầu tư dần dần thích ứng.
“Thị trường chưa nhận ra rủi ro của khả năng suy thoái, cái mà chúng tôi nghĩ hoàn toàn sẽ xảy ra”, ông Pride nhấn mạnh. Ông khẳng định rằng nhìn vào các đợt nâng lãi suất trước đây, nhìn chung sẽ mất trung bình từ 6 đến 18 tháng trước khi ảnh hưởng của nó thực sự rõ ràng trong nền kinh tế.
Chủ tịch Fed tại Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng Fed sẽ cần nâng lãi suất cao hơn so với cần thiết nếu cần phải đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 336,99 điểm tương đương 1,02% xuống còn 32.816,92 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 42,28 điểm tương đương 1,05% xuống còn 3.970,04 điểm còn chỉ số Nasdaq mất 195,46 điểm tương đương 1,69% xuống còn 11.394,94 điểm.
Cổ phiếu của 9/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 mất điểm, cổ phiếu bất động sản, công nghệ và tiêu dùng thuộc nhóm giảm điểm sâu nhất. Chỉ số cổ phiếu của các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông hạ 1,4% và như vậy ghi nhận phiên hạ thứ 6 liên tiếp, chuỗi thời gian giảm mạnh nhất tính từ 6 phiên mất điểm vào tháng 8/2022.
Nhóm các cổ phiếu lớn giảm điểm bao gồm Tesla, Amazon và Nivida, mức hạ ghi nhận từ 1,6% đến 2,6%, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm, loại vốn nhạy cảm với chính sách của Fed, tăng lên ngưỡng 4,826%, cao nhất trong gần 4 tháng.
Cổ phiếu Boeing hạ 4,8% sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) công bố hãng hàng không này đã tạm thời ngừng bàn giao sản phẩm máy bay 787 Dreamliner.
Cổ phiếu Adobe hạ 7,6% sau khi thông tin mới công bố cho thấy Bộ Tư pháp Mỹ sẽ chặn thương vụ thâu tóm mà hãng này đang định tiến hành.