Xe biếu tặng cũng phải định giá sát giá thị trường


(TBTCO) – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tân Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do Bộ Tài chính tổ chức, chiều 17/5.


Không được tiếp nhận tài sản có giá trị cao như ô tô
Liên quan đến việc cho, nhận tài sản biếu tặng, nhất là vừa qua có việc một số cơ quan, đơn vị nhận xe sang của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ ngành địa phương theo hướng không tiếp nhận các loại tài sản này, đặc biệt là các loại tài sản có giá trị cao như xe ô tô.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, theo quy định đối với các loại quà tặng là tài sản xác lập quyền sử dụng toàn dân nói chung và các loại tài sản biếu tặng nói riêng thì trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao cho một đơn vị nào đó sử dụng, bắt buộc phải thành lập hội đồng thẩm định giá để xác định giá trị của tài sản đó sát với giá thị trường.
Vị đại diện lãnh đạo Cục Quản lý công sản đã đưa ra ví dụ: “Giá trị một xe ô tô được thể hiện trên hóa đơn là 1,1 tỷ đồng nhưng khi định giá lại theo giá thị trường thì lên đến 2 – 3 tỷ đồng. Từ đó, sẽ căn cứ vào mức giá 2 – 3 tỷ đồng đó để xác định giá trị của chiếc xe, chứ không căn cứ trên giá trị hóa đơn như thời gian vừa qua”.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết thêm, định giá lại giá trị tài sản theo giá thị trường sẽ khắc phục được việc các cơ quan đơn vị tiếp nhận tài sản “sang quá mức so với tiêu chuẩn chung”.
Được biết, từ tháng 2/2017, tại Thông báo 127/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận xe ô tô do doanh nghiệp tặng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, cơ quan nhà nước chấm dứt nhận xe biếu, tặng từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc tặng quà, nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo đúng quy định, tại Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007.
Mỗi tài sản công phải xác định được “ông chủ” quản lý
Theo vị lãnh đạo Cục Quản lý công sản, các nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và giao thông được ban hành để hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã quy định chặt chẽ hơn để “mỗi tài sản công phải xác định được ông chủ quản lý”.
Các nghị định nêu trên đã quy định cụ thể về việc phân công, phân cấp rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản; các phương thức khai thác tài sản như cho thuê quyền khai thác tài sản; và chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản, nhưng không làm mất quyền sở hữu tài sản của Nhà nước…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai luật, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, một số bộ chuyên ngành được giao hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng, đã chậm ban hành quy định khiến các địa phương khó triển khai thực hiện. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã nhiều lần có văn bản đốc thúc các bộ có liên quan phải nhanh chóng ban hành để triển khai thực hiện, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được ban hành.
Theo quy định, đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng chia thành 2 nhóm, gồm: máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; máy móc, thiết bị chuyên dùng khác.
Đối với máy móc, thiết bị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo phải quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực của mình. Trên cơ sở đó, bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục tại cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa quy định chi tiết hướng dẫn theo quy định, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh trước khi ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng, phải gửi văn bản lấy ý kiến của hai bộ này.
Để tiếp tục triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Bộ Tài chính đã có một loạt các kiến nghị đối với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, lưu ý một số Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội sớm ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích cơ sở hoạt động sự nghiệp, máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ mình.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức sắp xếp lại, xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Việc tổ chức xử lý tài sản phải bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản công./.  


Minh Anh