Quảng Ninh kiến tạo môi trường kinh doanh vì sự phát triển của doanh nghiệp


Tỉnh Quảng Ninh hiện có 16.175 doanh nghiệp, trong đó có 229 doanh nghiệp lớn, còn lại đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp bằng những chương trình, giải pháp cụ thể. 

Xác định sự phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là sự phát triển của tỉnh, những năm qua, Quảng Ninh đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt này bằng những hành động cụ thể, như: tổ chức đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp; đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để tập trung tháo gỡ và ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp…
Tỉnh cũng chủ động gặp gỡ, tổ chức các hội nghị chuyên ngành về xuất nhập khẩu, đất đai, nông nghiệp, thuế, tiếp cận nguồn vốn… để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên 230 kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đã được giải quyết cơ bản, không để phát sinh những điểm nóng, bức xúc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc góp phần không nhỏ để doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp để tiếp cận, tìm hiểu, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các ngành chức năng của tỉnh còn làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp như: thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thuộc thế mạnh của tỉnh; phát triển sản xuất và đưa các mặt hàng về tiêu thụ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh…
Năm 2018, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh về hỗ trợ DN có nhiều đổi mới. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 13/11/2017, kế hoạch hành động với triển khai 12 nhóm giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho 35 sở, ngành, đơn vị cùng 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. 
Cụ thể hóa giải pháp đồng hành cùng DN, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính (TTHC), theo hướng “giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí”; tăng tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; rà soát, chuẩn hóa tăng số TTHC thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại Trung tâm hành chính công các cấp.
Cùng với đó, tỉnh triển khai hệ thống “một cửa điện tử” tại 100% cơ quan, đơn vị có TTHC giao dịch. Qua đó, đã cắt giảm 40% thời gian giải quyết TTHC so với quy định và Nghị quyết 35 của Chính phủ, như: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN rút ngắn còn 2 ngày (giảm 1 ngày); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là 1 ngày (giảm 2 ngày); thông báo nộp tiền lệ phí trước bạ, sử dụng hóa đơn còn 2 ngày (giảm 3 ngày). Đến nay, tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 99%, vượt 1% so với mục tiêu đề ra; nộp thuế điện tử đạt 95%, vượt 5% so với mục tiêu đề ra…
Đặc biệt, đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan và thời gian thông quan hàng hóa thông qua triển khai hệ thống thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng điện tử (e-payment); triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến hải quan với 42 thủ tục; 100% Chi cục Hải quan thực hiện khai báo thủ tục hải quan điện tử, 100% tờ khai được hỗ trợ khai báo qua hệ thống thông quan điện tử; thời gian thông quan hàng hóa trung bình đối với hàng xuất khẩu là 21 giờ 34 phút, trung bình đối với hàng nhập khẩu là 39 giờ 45 phút…
Những nỗ lực trên của Quảng Ninh đã được đền đáp khi những năm gần đây chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn được cải thiện đáng kể. Năm 2017, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 1/63 trong bảng tổng sắp các tỉnh, thành trong cả nước, tăng 1 bậc so với năm 2016. Quảng Ninh không chỉ xếp thứ nhất mà còn là tỉnh đạt tổng điểm PCI tuyệt đối cao hơn so với tổng điểm của vị trí số 1 năm 2016 ( 70,69/ 70,00 điểm).
Điều đó cho thấy niềm tin, sự đánh giá ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như kết quả của sự cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh.

VẠN XUÂN