Mọi nỗ lực cải cách đều hướng về người nộp thuế





(TBTCVN) – Những năm qua, Cục Thuế TP. Hà Nội luôn nỗ lực cải cách, cắt giảm thủ tục thuế; lắng nghe những phản ánh về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và về tinh thần và thái độ phục vụ của công chức thuế khi tiếp xúc với NNT để điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, thiếu sót…




Đại diện lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội và đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại một buổi tọa đàm chính sách thuế





Những nỗ lực cải cách thuế cũng chính là nhằm phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT). Đến nay, ngành Thuế Thủ đô đã thiết lập được mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ, tạo được sự đồng thuận, đồng hành với NNT. DN, NNT là mục tiêu cải cách 
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, những năm qua, ngành Thuế Thủ đô đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho DN, NNT. Cục Thuế TP. Hà Nội luôn đặt sự hài lòng của DN, NNT làm mục tiêu chính để cải cách. Theo đó, cơ quan thuế ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại vào quản lý nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho NNT và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý… 

Hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn
Sáng ngày 16/11/2017, Cục Thuế TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và tháo gỡ khó khăn của DN trên địa bàn TP. Hà Nội. Hội nghị gồm có:
– Về phía Cục Thuế: Ban lãnh đạo gồm ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội (chủ trì); các phó cục trưởng; trưởng các phòng: Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT, Kê khai kế toán thuế, Quản lý đất, Quản lý nợ, Tin học, các phòng Kiểm tra, phòng Thanh tra 1, phòng Thanh tra giá chuyển nhượng, phòng TNCN. Đại diện Ban chấp hành Chi hội kế toán – Cục Thuế TP. Hà Nội.
– Về phía hiệp hội, DN: Đại diện các hiệp hội DN và 323 DN

Cục Thuế TP. Hà Nội đã đưa ứng dụng CNTT vào các bước, các khâu trong công tác quản lý thuế. Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế góp phần công khai minh bạch, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) thuế. Cơ quan thuế đã mở rộng hình thức khai và nộp thuế điện tử với những tiện ích vượt trội và được cộng đồng DN, NNT tham gia tích cực. Đến nay, trên địa bàn đã có 98% DN kê khai thuế qua mạng và trên 95,36% số tiền thuế của DN nộp theo phương thức điện tử. Tỷ lệ này đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19 đề ra, đã giảm thời gian, chi phí cho NNT và cho cả cơ quan thuế trong kê khai, nộp thuế.
Ông Mạnh cho biết, tại Cục Thuế TP. Hà Nội, 100% cán bộ, công chức thuế đã sử dụng thư điện tử trong giải quyết công việc, trao đổi thông tin với NNT. Cục Thuế đã xây dựng ứng dụng gửi thư tự động – ASM để chuyển thông tin đến toàn bộ DN trên địa bàn. Đây là kênh thông tin quan trọng gắn kết cơ quan thuế với DN; qua đó cung cấp thông tin về các chính sách thuế mới, tiếp nhận những vướng mắc, khó khăn của NNT để có hướng dẫn, giải quyết kịp thời; cung cấp số nợ thuế để NNT nắm, rà soát, đối chiếu, điều chỉnh kịp thời khi có sai lệch, đã góp phần hỗ trợ tích cực cho NNT cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Đặc biệt, việc đăng ký kinh doanh thành lập DN, cấp mã số thuế tự động trong thời gian không quá 30 phút, giảm 87,5% thời gian thực hiện so với quy định là 4 tiếng đồng hồ trước đây, giúp DN, NNT tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; có thể nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi có máy tính kết nối Internet. Cục Thuế TP. Hà Nội cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc giải quyết TTHC liên quan đến đất đai, đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày xuống 3 ngày; đảm bảo tính công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc để người sử dụng đất nắm được thời gian giải quyết hồ sơ ở từng bộ phận, từng cơ quan tạo được sự đồng thuận của người nộp thuế. 
Cũng theo ông Mạnh, lãnh đạo Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc tiếp tục nghiên cứu, phát triển phần mềm hỗ trợ; sử dụng các ứng dụng thông minh; chủ động triển khai tốt các đề án quản lý mang lại lợi ích thiết thực cho NNT như: Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS); hoàn thuế điện tử; biên lai điện tử; hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; ủy nhiệm thu thuế hộ, cá nhân kinh doanh; nộp thuế điện tử trước bạ ô tô xe máy; kê khai điện tử hộ cho thuê nhà; thanh tra, kiểm tra điện tử… Mục tiêu cao nhất của ngành Thuế Thủ đô là tạo điều kiện tốt nhất để NNT được thụ hưởng đầy đủ các cơ chế ưu đãi về thuế và thực hiện đúng chính sách, pháp luật thuế.Đồng hành cùng NNT
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, với tư cách là thành viên tích cực trong Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) cho DN, Cục Thuế Hà Nội luôn chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các kênh thông tin để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của NNT; từ đó tham mưu, kiến nghị cơ chế chính sách thuế phù hợp thực tiễn giúp cộng đồng DN, NNT tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển SXKD, thu hút đầu tư, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, Cục Thuế Hà Nội đã hệ thống hóa, biên soạn ngắn gọn, cô đọng để truyền tải những nội dung chính sách thuế mới qua hệ thống thư điện tử cơ quan thuế tới hơn 140 nghìn DN, tổ chức đăng ký kê khai qua mạng, đăng tải công khai trên website của Cục Thuế tại địa chỉ http://hanoi.gdt.gov.vn giúp việc cập nhật chính sách thuế mới của các DN trên địa bàn được nhanh chóng, kịp thời. Cơ quan thuế thường xuyên tổ chức tập huấn miễn phí cho các DN, đặc biệt DN mới thành lập về chính sách thuế, nhất là các chính sách thuế mới, để NNT nắm bắt kịp thời, hiểu rõ và thực hiện đúng. Kết quả 10 tháng đầu năm 2017, Cục Thuế đã tổ chức 54 lớp tập huấn miễn phí cho 8.233 NNT và cán bộ, công chức thuế.
Song song với việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tập trung nhân lực, tài lực để hỗ trợ tối đa cho NNT thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, nhất là tại bộ phận “một cửa” của cơ quan thuế. Đồng thời, Cục Thuế cũng tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, toạ đàm với cộng đồng DN, hội tư vấn thuế, hiệp hội DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN Nhật Bản trên địa bàn thành phố. Qua hội nghị đối thoại, tọa đàm và các buổi làm việc trực tiếp với DN, Cục Thuế đã chủ động nắm bắt tình hình SXKD, tiếp thu ý kiến, kiến nghị và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN tạo điều kiện để DN hoạt động SXKD hiệu quả, thực hiện đúng chính sách, pháp luật thuế và đóng góp ngày càng nhiều cho NSNN.
Ngay cả với các DN, tổ chức thuộc diện chây ỳ nộp thuế, bên cạnh các biện pháp cưỡng chế kiên quyết, Cục Thuế cũng đã tham mưu với lãnh đạo UBND thành phố để tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ khó khăn và đôn đốc nộp thuế. Sau các cuộc gặp này, những DN, NNT này cũng đã có các cam kết nộp số tiền thuế, tiền đất của các dự án còn nợ…




Vũ Long