Kon Tum: Tự chủ giúp chủ động điều hành dự toán





(TBTCO) – Hiện nay, 100% các đơn vị được giao quyền tự chủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Nhờ thực hiện tự chủ, các đơn vị đã chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, sắp xếp bộ máy phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.




Kon Tum đã giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện. Ảnh: TL





Theo báo cáo của Sở Tài chính Kon Tum về kết quả thực hiện Nghị định số 130/2005/NNĐ-CP, đến nay UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ cho 100%  cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, 72% cơ quan cấp huyện, thành phố. Các đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn chưa thực hiện tự chủ.
Về kết quả thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP, đối với các đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh, UBND tỉnh đã giao quyền tự chủ cho 94/113 đơn vị, đạt 83%. 19 đơn vị chưa giao quyền tự chủ do thực hiện công tác kế toán theo hình thức báo sổ nên chưa đủ cơ sở giao tự chủ. Tỉnh cũng đã giao quyền tự chủ cho 408/425 đơn vị sự nghiệp tuyến huyện, đạt 96%.
Sở Tài chính Kon Tum cho biết, việc tự chủ đã mang lại nhiều thuận lợi cho các đơn vị. Hiện nay, 100% các đơn vị được giao quyền tự chủ đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Nhờ thực hiện tự chủ, các đơn vị đã chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, sắp xếp bộ máy phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức.
Thủ trưởng các cơ quan đơn vị cũng chủ động hơn trong điều hành dự toán.  Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và khả năng nguồn tài chính, thủ trưởng đơn vị có thể quyết định kinh phí và tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều đơn vị đã trích lập được các quỹ: Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi.
Đặc biệt, một số đơn vị đã tự cân đối và đảm bảo được một phần về nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ tiền lương tăng thêm theo lộ trình của Chính phủ, giảm dần kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) phải hỗ trợ.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác triển khai giao tự chủ tại các đơn vị hành chính tuyến huyện, xã còn chậm (chỉ đạt 72%), chủ yếu tập trung tại các xã vùng khó khăn. Nguyên nhân được Sở Tài chính Kon Tum đưa ra là do điều kiện và trình độ kế toán tại các xã còn nhiều hạn chế; cơ quan quản lý cấp huyện chưa hướng dẫn, triển khai quyết liệt, còn nhiều thụ động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện xã hội hóa, chuyển sang đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ kinh phí còn nhiều hạn chế, do điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh còn thấp hơn mặt bằng chung của các tỉnh trong khu vực, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp so với tổng chi của đơn vị.
Mặt khác, theo Sở Tài chính Kon Tum, việc triển khai các nhiệm vụ đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng đặt ra không ít vấn đề, khó khăn, thách thức cho các sở, ngành và địa phương cũng như mỗi đơn vị công lập. Hiện nay, Trung ương chưa ban hành hướng dẫn triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Nghị định 141/2016/NĐ-CP . Bên cạnh đó, các bộ, ngành trung ương chậm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và định mức kinh tế kỹ thuật của một số dịch vụ sự nghiệp, do đó địa phương rất lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. 
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính Kon Tum đề nghị Trung ương sớm ban hành các Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp theo từng lĩnh vực; có hướng dẫn phân định cụ thể khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN do bộ, ngành, trung ương ban hành và khung danh mục do địa phương ban hành../.




Bùi Tư