Kho bạc nhà nước: Nhiều giải pháp thực hiện huy động vốn năm 2018


(TBTCVN) – Nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2018 được Bộ Tài chính giao cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) là 275.970 tỷ đồng.


Quý I/2018, KBNN đã huy động được 40.108 tỷ đồng (bằng 14,5% kế hoạch năm). Để hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn của năm 2018, từ nay đến cuối năm, KBNN tiếp tục đưa ra các giải pháp.Lãi suất TPCP bình quân 4,59%/năm
Bà Trần Thị Huệ, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính – tiền tệ những tháng đầu năm được đánh giá cơ bản ổn định, thanh khoản trên thị trường tiền tệ khá tốt,  nhu cầu đầu tư trái phiếu cao.
KBNN đã chủ động tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính và triển khai các giải pháp để huy động tối đa nguồn vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Đồng thời, KBNN thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu nợ chính phủ theo hướng an toàn, bền vững, cụ thể là: Xây dựng kế hoạch và lịch biểu phát hành cả năm 2018 và quý I/2018 công bố thông tin ra thị trường theo quy định; phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) xây dựng kế hoạch phát hành TPCP cho đơn vị này trong năm 2018 và tổ chức phát hành theo phương thức riêng lẻ; tổ chức đấu thầu TPCP theo quy định. KBNN đã tổ chức phát hành các loại TPCP có kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm, tập trung vào loại dài hạn trên 10 năm; bảo đảm quy định giới hạn tại nghị quyết của Quốc hội và hài hòa dòng tiền trả nợ trong tương lai. 
Thông qua các giải pháp nêu trên, quý I/2018, toàn hệ thống KBNN đã huy động được 40.108 tỷ đồng. Toàn bộ khối lượng TPCP đều có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó kỳ hạn 10 năm chiếm 27,4%; kỳ hạn 15 năm chiếm 18,4%; kỳ hạn 30 năm chiếm 16,7%; kỳ hạn 7 năm chiếm 14,3%; kỳ hạn 20 năm chiếm 11,8% và kỳ hạn 5 năm chiếm 11,3%. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2018 là 14,45 năm, lãi suất phát hành bình quân là 4,59%/năm; kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP tính đến thời điểm 15/3/2018 là 6,74 năm.Nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018
Quyền Tổng giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn cho biết, năm 2018 được các chuyên gia kinh tế dự đoán khả quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như trong nước. Quyết tâm của Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế bền vững là những tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính – tiền tệ trong nước.
Hơn nữa, với Luật Quản lý nợ công sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 và Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác quản lý nợ công nói chung và phát hành TPCP nói riêng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ để phát triển theo chiều sâu, với các mục tiêu cụ thể về tăng cường tính minh bạch thông tin. Đồng thời, các sản phẩm trên thị trường sẽ được đa dạng để thiết lập đường cong lãi suất chuẩn cho các sản phẩm tài chính từ ngắn hạn đến dài hạn nhằm phát triển thị trường TPCP, tăng tính thanh khoản, hoạt động hiệu quả; trở thành kênh huy động vốn chính của ngân sách, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thách thức đối với nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành TPCP là thị trường phụ thuộc vào biến số kinh tế nước ngoài; lòng tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển ổn định nền kinh tế trong dài hạn; lãi suất thị trường tiềm ẩn yếu tố bất thường; cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chưa bền vững (chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại), trong khi dư địa đầu tư TPCP kỳ hạn dài của các ngân hàng này là có hạn, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài vào thị trường TPCP…
Do đó, theo ông Tạ Anh Tuấn, để hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn năm 2018, bên cạnh việc tổ chức phát hành TPCP đa dạng kỳ hạn đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN, KBNN sẽ thực hiện hoán đổi TPCP để cơ cấu lại nợ công giai đoạn 2017 – 2020 theo đề án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, KBNN tiếp tục nghiên cứu, triển khai các nghiệp vụ mới như mua lại, cho vay trái phiếu theo lộ trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, để tăng tính thanh khoản thị trường TPCP.
Bên cạnh đó, KBNN tiếp tục triển khai việc huy động vốn hỗ trợ NSNN thông qua phát hành TPCP cho BHXH để tăng dần tỷ lệ đầu tư TPCP theo hình thức đấu thầu trên thị trường và đầu tư đa dạng kỳ hạn TPCP từ 10 năm trở lên. KBNN thực hiện kết hợp giữa đấu thầu và phát hành theo phương thức bán trực tiếp; trong đó tăng dần tỷ lệ đấu thầu, gắn mục tiêu huy động đủ vốn với mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, bền vững, đóng vai trò tham chiếu cho các thị trường tài chính khác.
Song song với đó, KBNN tiếp tục cải tiến công tác tổ chức phát hành TPCP theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai đầy đủ thông tin phù hợp thông lệ quốc tế như các thông tin về cơ chế chính sách, kế hoạch, lịch biểu phát hành, thanh toán TPCP cho các nhà đầu tư tham khảo; tham gia xây dựng và hoàn thiện văn bản hướng dẫn đối với công tác tổ chức phát hành, thanh toán, niêm yết, đăng ký, lưu ký và giao dịch TPCP để có khuôn khổ pháp lý đầy đủ thực hiện nhiệm vụ của KBNN. Đây chính là cơ sở để triển khai lộ trình phát triển thị trường TPCP và các quy định tại Luật Quản lý nợ công sửa đổi.
Ngoài ra, KBNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhà đầu tư, điều hành lãi suất phát hành trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường tiền tệ, đảm bảo khối lượng huy động vốn phù hợp với tiến độ sử dụng, tiết kiệm chi phí cho NSNN và góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ theo định hướng về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ; theo dõi và thực  hiện thanh toán gốc, lãi TPCP đầy đủ, đúng hạn, giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư.
Trong phạm vi khung lãi suất Bộ Tài chính quy định, KBNN điều hành lãi suất phát hành TPCP sát với thị trường, phù hợp định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, đảm bảo lãi suất TPCP là lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ khác tham chiếu. 
Trong phạm vi khung lãi suất Bộ Tài chính quy định, KBNN điều hành lãi suất phát hành TPCP sát với thị trường, phù hợp định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, đảm bảo lãi suất TPCP là lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ khác tham chiếu. 


Vân Hà