Kho bạc Nhà nước: Hiện đại hóa để phát huy hiệu quả vai trò “người gác cửa” ngân quỹ Quốc gia


(TBTCVN) – Những năm gần đây, vai trò của Kho bạc Nhà nước (KBNN), của hệ thống kho bạc trong lĩnh vực quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng được nâng lên.


Những kết quả tích cực trong cải cách hiện đại hóa hệ thống KBNN trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính, góp phần quản lý, điều hành NSNN ngày càng hiệu quả.
Quyết liệt triển khai cải cách hành chính
Với vai trò là “người gác cửa”  ngân quỹ quốc gia, KBNN luôn nỗ lực cải cách trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng ngân sách làm đối tượng phục vụ. Theo đó, toàn hệ thống KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải cách, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ. Trong đó, trọng tâm là cải cách quy trình thủ tục hành chính (TTHC) về thu, chi NSNN theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch; nhằm giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện TTHC cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong giao dịch với KBNN.
Đặc biệt, KBNN rất chú trọng đến công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) để tạo điều kiện cho người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Công tác phối hợp thu tiếp tục được KBNN đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc với các hình thức thu tại quầy giao dịch của NHTM, thu qua kênh giao dịch điện tử Internet, ATM, thu qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Đồng thời, KBNN đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tiên tiến vào quy trình quản lý thu  đã giúp giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền (thời gian thực hiện 1 giao dịch thu NSNN rút xuống còn khoảng 5 phút, so với trước đây là 30 phút). Bên cạnh đó, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN địa phương phải mở rộng tài khoản chuyên thu và thực hiện ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho NHTM đảm nhận…
Với việc thực hiện nhiều giải pháp cải cách, KBNN đã tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, đồng thời, góp phần mở rộng không gian và thời gian cho người nộp thuế. Từ đây, người nộp thuế có thể thực hiện nộp tiền tại nhiều địa điểm khác nhau, nơi có trụ sở KBNN hoặc chi nhánh, điểm giao dịch của NHTM; hoặc có thể nộp tiền ngoài giờ hành chính, nộp vào ngày nghỉ; qua các dịch vụ thanh toán điện tử do NHTM cung cấp,… Đồng thời, giảm thiểu số thu bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN theo đúng định hướng phát triển.
Về công tác kiểm soát chi (KSC) NSNN, KBNN đã thường xuyên hoàn thiện cơ chế, quy trình theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Cụ thể, đối với chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán…
Đối với chi thường xuyên, KBNN đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện KSC theo cơ chế khoán đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; bỏ thủ tục KSC liên quan đến nhu cầu chi quý; xây dựng và triển khai quy trình KSC “một cửa” theo nguyên tắc mỗi giao dịch viên là một cửa, trừ các khoản chi bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đã triển khai thành công Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN trên toàn quốc từ ngày 2/10/2017.  Đề án đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao từ phía các đơn vị sử dụng ngân sách vì đã tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Và với việc vận hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi rộng tại các KBNN tỉnh, thành phố từ đầu tháng 2/2018 vừa qua đã hình thành thêm một kênh giao dịch để khách hàng có thể lựa chọn, đưa KBNN đến gần hơn nữa với khách hàng và xã hội thông qua mạng Internet. Đây cũng là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của KBNN, theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử. Từ đây, đích đến với “Kho bạc điện tử” đang ở rất gần.
Chủ động bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Không chỉ nỗ lực cải cách để trở thành “Kho bạc điện tử” mà toàn hệ thống KBNN còn đang bắt nhịp rất nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Tổng giám đốc KBNN Tạ Anh Tuấn, để tận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như triển khai chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 02-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, KBNN đã thực hiện một số nội dung như: tổ chức tìm hiểu công nghệ và các ứng dụng của 4.0, đặc biệt là khả năng ứng dụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KBNN; tiến hành các thử nghiệm vào các bài toán có khả năng ứng dụng để đánh giá tính khả thi so với nghiệp vụ quản lý của ngành; tổ chức các khóa đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ nghiệp vụ, cán bộ quản lý về khả năng ứng dụng và phương pháp đặt đầu bài cho bộ phận CNTT có ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường năng lực cho cán bộ CNTT…
Trong thời gian tới, KBNN cũng định hướng ứng dụng các công nghệ 4.0 cho công tác quản lý nghiệp vụ của KBNN có thể bao gồm: cung cấp dịch vụ ứng dụng thông qua công nghệ di động thông minh (mobility), qua Internet cho các đơn vị sử dụng NSNN và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện khai thác thông tin và thực hiện kênh giao dịch điện tử với KBNN; cung cấp dịch vụ hỗ trợ tự động với đơn vị sử dụng ngân sách về kỹ thuật và nghiệp vụ khi sử dụng kênh giao dịch điện tử với KBNN; kết hợp sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ quản lý rủi ro hoạt động nghiệp vụ; xây dựng và triển khai cổng trao đổi dữ liệu điện tử để kết nối với tất cả các tổ chức có kênh liên kết nghiệp vụ với KBNN; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển sang sử dụng công nghệ điện toán đám mây theo kế hoạch chung của Bộ Tài chính…
Với những nỗ lực trong cải cách quy trình, nghiệp vụ để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, sự chủ động trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, KBNN đang có những bước tiến vững chắc để khẳng định vị thế của mình trong hệ thống quản lý tài chính – ngân sách quốc gia; ngày càng góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các bước cải cách, KBNN đang thực hiện đúng với những quy định đặt ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 để trở thành “Kho bạc điện tử” với “3 không” (không giao dịch tiền mặt, không giao dịch trực tiếp với khách hàng và không chứng từ giấy)./.


Vân Hà