Grab vẫn khẳng định không kinh doanh vận tải


Grab cho biết từ ngày 2/3/2017, công ty này nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.

Sáng 19/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn Vinasun và bị đơn GrabTaxi (Grab), đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng. Tại phiên tòa sáng nay, đại diện VKS xét hỏi đại diện 2 bên.
Grab vi phạm đề án 24?
Về phía Vinasun, nguyên đơn khẳng định khởi kiện vì Grab vi phạm đề án 24, những vấn đề khác không đi sâu. Vinasun cho rằng Grab tính cước phí và xuất hóa đơn sau chuyến đi. Trong khi đề án 24 chỉ cho phép Grab cung cấp cách tính, còn việc quyết định thuộc về đơn vị kinh doanh vận tải.
Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp này cũng chỉ ra Vinasun bị thiệt hại doanh thu từ khi phát hiện dấu hiệu vi phạm đến hoạt động kinh doanh của Grab.
“Khi xem xét báo cáo tài chính, so sánh doanh thu của công ty mẹ, tỷ lệ tăng doanh thu của Vinasun bị sụt giảm. Năm 2017 so với 2016 giảm 43,2%”, đại diện Vinasun trình bày.
Nguyên đơn cho biết doanh thu công ty mẹ bao gồm: Kinh doanh taxi, xe hợp đồng và hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên, lợi nhuận sụt giảm chủ yếu là hoạt động taxi. 
Vinasun chỉ ra doanh thu của các công ty con đều tăng so với các năm trước, điều này được Vinasun lý giải do Grab chưa tác động hoạt động taxi vào những thị trường đó nên vẫn tăng trưởng tốt. Đến năm 2015-2016 Grab tác động thị trường ở TP.HCM nên gây thiệt hại dù nguyên đơn vẫn nỗ lực đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
“Mỗi năm Vinasun đầu tư thay ôtô mới vì xe chỉ hoạt động tối đa 8 năm. Khi có những tác động thì doanh nghiệp sẽ có phản ứng nhưng vẫn phải nỗ lực. Từ năm 2015 chúng tôi vẫn nỗ lực thay đổi hình ảnh, quá trình kinh doanh của mình”, đại diện nguyên đơn nói.
Từ đây, Vinasun cho rằng Grab và những hoạt động của doanh nghiệp này tại Việt Nam là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. 
“Grab là công ty công nghệ”
Trong phần trả lời thẩm vấn của VKS, đại diện Grab khẳng định doanh nghiệp mình cung cấp dịch vụ công nghệ cho công ty taxi.
Khi được hỏi Grab có đăng ký thêm chức năng nào nữa không, bị đơn cho biết các công ty thường cố gắng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh vì không biết sẽ chọn kinh doanh nào, cũng như Vinasun. Grab cũng đăng ký nhưng không sử dụng lĩnh vực đó.
“Có hoạt động kinh doanh vận tải không?”, VKS đặt câu hỏi.
CEO của Grab khẳng định không có. Đại diện doanh nghiệp này cho biết  từ ngày 2/3/2017, Grab nhận quyết định từ Bộ Công Thương, yêu cầu rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề kinh doanh này.
Grab van khang dinh khong kinh doanh van tai hinh anh 2
Đại diện Grab tại tòa. Ảnh: Hoài Thanh.
VKS đặt câu hỏi về khoản lỗ 1.700 tỷ đồng từ 2014-2017, Grab trả lời việc lỗ không phải hoàn toàn là do tiếp thị hay quảng cáo. Bị đơn cho rằng còn có chi phí cho khuyến mãi, thưởng cho tài xế, nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cho công nghệ.
Trước câu hỏi: “Công ty kinh doanh nhằm mục đích gì?” của đại diện VKS, Grab trả lời mục tiêu của kinh doanh hướng đến lợi nhuận. Tuy nhiên, với Grab, họ cho rằng công ty nhắm đến mục đích cung cấp dịch vụ về công nghệ để hỗ trợ xã hội và người dân.
“Đó là lý do chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ kết nối mà còn cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, tài liệu, thanh toán thông qua kỹ thuật số. Công ty chúng tôi là công ty công nghệ, cung cấp công nghệ theo kịp thời đại 4.0 là điều chúng tôi hướng đến. Grab tin tưởng về lâu dài sẽ tạo ra lợi nhuận”, đại diện Grab nói trước tòa.
Bị đơn cũng cho biết khoản thuế mà doanh nghiệp này sẽ đóng góp cho Việt Nam trong năm 2018 sẽ nhiều gấp 3 lần khoản thuế năm 2017.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Theo Zing News