Giá điện ì ạch khó thu hút đầu tư

Việc trì hoãn điều chỉnh giá điện theo các quy định đã có trong vài năm qua tiếp tục khiến chi phí tăng thêm của sản xuất điện bị dồn toa và có thể lên tới 20.000 tỷ đồng trong năm 2018-2019.

Chi phí chất chồng

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, các khoản chi phí đầu vào của giá điện hiện đã phát sinh lớn, gây áp lực cho hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dẫu vậy, Thứ trưởng cũng khẳng định, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 tháng cuối của năm 2018 sẽ không tăng giá điện. 

Tuy nhiên, giá bán lẻ điện có thể sẽ được điều chỉnh trong năm 2019. 

Cơ sở của việc xem xét điều chỉnh, theo ông Hải, do tổng chi phí bị “đội” lên năm 2018 và 2019 của EVN là khoảng 20.735 tỷ đồng.  Trong đó, năm 2018 chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm chênh lệch tỷ giá năm 2017 là 3.071 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và giá khí trong bao tiêu theo thị trường tăng thêm 1.910 tỷ đồng.

Năm 2019, ngành điện ước tính phát sinh chênh lệch tỷ giá là 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng, giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng… khiến tổng chi phí đội lên sẽ là 15.252 tỷ đồng. 

Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá treo lại từ năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng. 

“Với tổng chi phí tăng thêm này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg”, ông Hải nói. 

Bộ Công thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc kiểm tra, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.

Đợt tăng giá bán lẻ điện gần nhất là ngày 1/12/2017. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên mức 1.720,65 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 6,08% so với trước đó. Còn đợt điều chỉnh giá điện sát liền kề cũng diễn ra vào tháng 3/2015 với mức tăng 7,5% so với trước. 

Khác hẳn với giá xăng dầu đã vận hành theo cơ chế thị trường với tần suất điều chỉnh, cập nhật 15 ngày/lần, thì giá điện vẫn không thể vận hành theo cơ chế thị trường, dù đã có các quy định từ năm 2005. 

Các chuyên gia kinh tế như ông Trương Đình Tuyển, Võ Trí Thành… đã thẳng thắn cho rằng, việc trì hoãn tăng giá điện không những không có tác dụng trong tiết kiệm điện, mà giá điện thấp còn gây trở ngại cho quá trình mời gọi nhà đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, đặc biệt là điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Thờ ơ tiết kiệm điện

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia về tiết kiệm năng lượng cho hay, sau khi có thông tin giá điện sẽ không tăng trong năm 2018, nhiều dự án tiết kiệm năng lượng đang được tư vấn triển khai trong các ngành xi măng, thép, hóa chất đã không còn được các doanh nghiệp này mặn mà. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp không có động lực để thực hiện tiết giảm chi phí năng lượng trong sản xuất, trong khi nhìn thấy ngay việc phải bỏ thêm chi phí khiến giá thành sản phẩm gia tăng”. 

Cũng bởi giá điện không phản ánh đúng quy luật thị trường nên kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) trong giai đoạn I và II vẫn còn rất khiêm tốn. 

“Cả nước tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 – 2010, tương đương với 4,5 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011 – 2015, tương đương với 11,261 triệu TOE. Việc thi hành các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả còn chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thực hiện các yêu cầu theo quy định đã ban hành”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững  (Bộ Công thương) cho biết.

Với thực tế tăng trưởng kinh tế vẫn tăng trong thời gian tới, khiến cho tốc độ tiêu dùng năng lượng cao hơn nữa, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, mức tiết kiệm đến nay chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi đó, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ cùng thời gian đã đưa ra những biện pháp rất mạnh mẽ để thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, Trung Quốc đã thực hiện đóng cửa các nhà máy nhiệt điện nhỏ, loại bỏ các xưởng sản xuất sắt lò cao dưới 300 m3, loại bỏ các nhà máy sản xuất thép dưới 200.000 tấn/năm, đóng cửa các nhà máy sản xuất nhôm nhỏ hay thiết lập chỉ tiêu riêng cho phần còn lại. 

“Bài học từ Trung Quốc là thiết lập các chỉ tiêu định lượng để tạo tín hiệu rõ ràng. Các chỉ tiêu này là bắt buộc và Chính phủ cần cưỡng chế thực thi mạnh mẽ để nhanh chóng đẩy mạnh bảo tồn và tiết kiệm năng lượng”, chuyên gia của WB nói.

Khó gọi đầu tư 

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2030, công suất nguồn điện của Việt Nam cần đạt khoảng 150.000 – 200.000 MW, tương ứng với đó là năm 2030, sản lượng điện phải đạt 500 tỷ kWh (năm 2017 trên 190 tỷ kWh) mới đủ năng lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. 

“Thực tế, ngành điện ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện do giá bán điện thấp, chậm thu hồi vốn”, ông Ngãi nhận xét và cho rằng, nếu từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện có trong tay 10 tỷ USD đầu tư xây dựng thì sẽ yên tâm vô cùng, không phải “ăn đong” như hiện nay. 

“Để làm được điều này, Chính phủ cần giải quyết dứt điểm vấn đề giá điện, sao cho hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất điện và người sử dụng điện”, ông Trần Viết Ngãi khuyến nghị.

Theo Thanh Hương
baodautu.vn