Đơn giản hóa nhiều thủ tục trong lĩnh vực tài chính


(TBTCO) – Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.


Cắt giảm thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 nhằm tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của bộ; hướng tới cải cách TTHC toàn diện, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ của TTHC ngay từ khâu dự thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có quy định TTHC, chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản QPPL sau khi thực hiện đánh giá tác động TTHC đảm bảo các tiêu chí “cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tính toán chi phí tuân thủ” của TTHC theo đúng quy định.
Tính đến hết 31/5/2018, đã phối hợp thực hiện đánh giá tác động đối với 173 TTHC tại 19 dự thảo văn bản QPPL. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.  
Về rà soát, đơn giản hóa TTHC, Bộ Tài chính đã phối hợp thống kê, tập hợp, rà soát, đánh giá 38 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý, nhằm phát hiện để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định về TTHC không cần thiết, không hợp lý.
Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, chuẩn hóa 960 TTHC thuộc phạm vi quản lý, loại bỏ dữ liệu TTHC dư thừa, trùng lặp và thực hiện đăng tải, công khai các TTHC lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu, theo dõi và giám sát.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và rà soát danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài chính, để làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hoá.
Hiện nay, đã có 13 bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản QPPL về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (chiếm 92%), trong đó có 7 bộ đã hoàn thành là: Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản nhất (49 văn bản) nhưng đã sửa đổi, bổ sung được 48 văn bản và 1 văn bản còn lại đang trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung.
Các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng và ban hành một số văn bản theo hướng cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan. Một số quy định không còn phù hợp cũng đã được bãi bỏ.
Cắt giảm, đơn giản hoá hơn 51% điều kiện kinh doanh
Một điểm đáng nổi bật của công tác cải cách hành chính (CCHC) của Bộ Tài chính trong những tháng đầu năm đó là việc rà soát cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh. Trong đó, đã tiến hành rà soát và đánh giá chi tiết toàn bộ các điều kiện đầu tư, kinh doanh của 21 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, đã nghiên cứu đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định phê duyệt Phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Theo đó, tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu: 370 điều kiện; tổng số điều kiện kinh doanh đề nghị cắt giảm, đơn giản: 190 điều kiện (trong đó bao gồm cắt giảm 92 điều kiện, đơn giản 98 điều kiện), đạt 51,35% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã kiến nghị sửa đổi 6 luật và 16 nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đẩy mạnh triển khai công tác CCHC trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Tài chính tập trung triển khai một số nhiệm vụ CCHC trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ về chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 – 2020, Quyết định số 225/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CCHC.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị về nâng cao công tác CCHC và công bố kết quả đánh giá Chỉ số CCHC năm 2017 của các đơn vị thuộc bộ; nghiên cứu đề xuất các phương án đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của Bộ Tài chính nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích…
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phạm Thanh Hà – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực rà soát và cắt giảm hàng nghìn TTHC, nên dư địa các thủ tục cần cắt giảm không còn nhiều.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án để đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp./.


Minh Anh