Doanh nghiệp hoan nghênh giảm phí lĩnh vực thú y, thủy sản, thực phẩm





(TBTCVN) – Quy định giảm phí với các mức giảm được Bộ Tài chính đề xuất trong các dự thảo thông tư về thu phí, lệ phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản, an toàn thực phẩm là hợp lý, phù hợp với kiến nghị của doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự cầu thị từ phía Ban Soạn thảo.




Thuỷ sản là một trong những danh mục được đề xuất điều chỉnh giảm phí





Hoan nghênh tinh thần cầu thị
Theo Phó Trưởng phòng Phòng Chính sách thuế, phí, lệ phí (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính), ông Trần Anh Tuấn, sau gần 1 tháng đăng công khai lấy ý kiến về các dự thảo thông tư điều chỉnh giảm mức thu trong lĩnh vực thú y, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều phản hồi đồng thuận với việc giảm nhiều loại phí. Đại đa số ý kiến của các tỉnh, sở ban, ngành địa phương (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hòa Bình, Hà Giang…)  đều thống nhất với bố cục, nội dung của các dự thảo, đặc biệt là nội dung giảm các mức phí.  
Trong công văn phúc đáp của Ủy ban Dân tộc do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải ký, có đoạn: “Nhất trí với bố cục, nội dung của dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều các thông tư: Thông tư số 279/2016/TT-BTC, Thông tư số 285/2016/TT-BTC, Thông tư số 286/2016/TT-BTC về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực thú ý, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm”.
Còn theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), ông Trần Đình Hòe, sau khi VASEP gửi dự thảo cho các doanh nghiệp hội viên, chưa có doanh nghiệp hội viên nào có ý kiến thêm về các mức điều chỉnh phí trong dự thảo Bộ Tài chính xây dựng. Tinh thần chung của VASEP và các doanh nghiệp thủy sản hội viên tuân thủ, đồng hành và chia sẻ với Nhà nước trong nhiều hoạt động, bao gồm các phần phí, lệ phí theo các quy định mới của Luật Phí và Lệ phí. 
Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho hay, trong thời gian qua, VCCI nhận được phản ánh của doanh nghiệp về mức thu phí cao liên quan đến phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, làm gia tăng chi phí, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên với việc Bộ Tài chính tiên phong đề xuất giảm phí với các mức đề xuất tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 286/2016/TT-BTC là phù hợp với các kiến nghị của doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. 
“Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần cầu thị của Ban Soạn thảo”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh. Bổ sung thẩm quyền thu phí cho cấp huyện
Đề cập tới những góp ý cụ thể từ các bộ ngành, địa phương, ông Trần Anh Tuấn cho biết, hầu hết các địa phương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đều đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm thẩm quyền thu phí cho các cơ quan địa phương, trong đó bổ sung thêm thẩm quyền thu phí cho cấp huyện. 
UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất, “cơ quan soạn thảo bổ sung thẩm quyền thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản do cấp huyện quản lý. Lý giải cho đề xuất này, UBND tỉnh Tuyên Quang viện dẫn quy định tại Khoản 2, Điều 5, thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, trong đó quy định: “Cơ quan kiểm tra cấp địa phương: Do UBND tỉnh cấp tỉnh quyết định dựa trên phân công, phân cấp của Bộ NN&PTNT, tình hình thực tiễn của địa phương và đề xuất của sở NN&PTNT”. 
Thực tế, hiện nay hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện phân cấp quản lý kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, tại Thông tư 286 chỉ quy định việc thu phí đối với cấp trung ương, cấp tỉnh, còn cấp huyện chưa được quy định.
Bộ NN&PTNT cũng đề xuất: “Tổ chức thu phí thẩm định quản lý chất lượng…; chi cục thủy sản; cấp huyện được phân cấp/giao nhiệm vụ”. Lý do được bộ này đưa ra là, một số tỉnh đã phân cấp/giao nhiệm vụ cho cấp huyện tổ chức kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, cần bổ sung cụm từ này để cấp huyện có căn cứ thu phí. 
Đối với Thông tư số 285/2016/-TT-BTC, số thu khi bãi bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu: Ước giảm 9,132 tỷ đồng năm 2017 (chiếm 14,4% tổng số thu phí, lệ phí năm 2017); năm 2018 ước giảm 10 tỷ đồng (chiếm 15% tổng số thu phí, lệ phí năm 2018). 
Đối với Thông tư số 285/2016/-TT-BTC: Khi giảm mức thu phí cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu, phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sẽ khiến số thu năm 2017 ước giảm 9,413 tỷ đồng (tương đương 31% tổng số thu phí, lệ phí năm 2017); năm 2018 ước giảm 11,183 tỷ đồng (tương đương 31% tổng số thu phí, lệ phí năm 2018).(Nguồn Bộ NN&PTNT)





Đức Minh