Công tác kiểm tra kế toán phải thực hiện thường xuyên


(TBTCVN) – Để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của kế toán ngân sách nhà nước (NSNN) và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN), đòi hỏi công tác  kiểm tra kế toán (KTKT) phải được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả.


Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này vẫn còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, các sai phạm được phát hiện trong kết quả kiểm tra đôi khi còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, KBNN đang đưa ra một số giải pháp.Nhiều thay đổi đối với công tác KTKT
Bà Nguyễn Thị Hoài, Cục trưởng Cục Kế toán KBNN cho biết, để đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, đòi hỏi công tác KTKT phải được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Luật Kế toán quy định, KTKT là việc xem xét, đánh giá tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán. Theo đó, đối với kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, việc KTKT cần tập trung nhiều hơn vào kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kế toán theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017. 
Tuy nhiên, kể từ khi Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) được triển khai thành công, công tác kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN chuyển sang một giai đoạn mới với các yêu cầu gắn liền với những cải cách của ngành Tài chính về quản lý tài chính, ngân sách. Theo đó, công tác kế toán đã dần chuyển sang kế toán máy.
Như vậy, so với trước đây, công tác KTKT hiện nay đã có sự thay đổi về yêu cầu, cách thức, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật về kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, sự trung thực, chính xác của thông tin kế toán, gắn với mục tiêu của KTKT.Hoàn thiện theo hướng xác định rõ mục tiêu
Trao đổi về công tác KTKT NSNN hiện nay, bà Hoài nhận xét, chính những thay đổi trong công tác KTKT đã và đang đặt ra thách thức lớn. Theo đó, công tác KTKT trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Bà Hoài chỉ rõ: “Trong suy nghĩ của các cấp lãnh đạo và chuyên viên, áp lực của việc KTKT vẫn nhẹ hơn nhiều so với công tác thanh tra. Chính từ suy nghĩ này đã tạo cho họ sự lơ là, chủ quan hoặc chưa sâu sát trong chỉ đạo điều hành cũng như công tác chuẩn bị, triển khai… Vì vậy, các sai phạm được phát hiện trong kết quả kiểm tra đôi khi còn khá dàn trải, không cơ bản… Việc phát hiện ra các sai phạm lớn còn hạn chế. Có trường hợp  phải thông qua công tác thanh tra hoặc thông tin từ bên ngoài mới có thể phát hiện… Việc khắc phục kết luận kiểm tra còn chậm hoặc chưa đầy đủ. Công tác bố trí cán bộ kiểm tra cũng còn chưa được coi trọng ở nơi này hay nơi khác…”.
Trước tình hình này, theo bà Hoài, công tác KTKT tại các đơn vị KBNN cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa theo hướng xác định rõ mục tiêu kiểm tra. Mục tiêu này phải được đặt ra cho từng giai đoạn, theo kế hoạch hoặc gắn cho mỗi cuộc kiểm tra tùy thuộc vào tính chất cuộc kiểm tra hoặc/và yêu cầu mỗi giai đoạn. Bên cạnh đó là phải xác định rõ nội dung kiểm tra, trên cơ sở yêu cầu của cuộc kiểm tra, cần định hình đầy đủ các nội dung kiểm tra, cả tổng quát và chi tiết…
Song song với đó là định hình phương pháp, cách thức kiểm tra. Từ thực tiễn hiện nay, theo bà Hoài, công tác KTKT nên tập trung vào việc kiểm tra tại những điểm dễ xảy ra sai phạm nhất, hay chính từ những nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến an toàn tiền, tài sản như: Tính cân đối của các tài khoản tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát sinh các tài khoản trung gian; tài khoản thanh toán với ngân hàng; công tác đối chiếu giữa KBNN với đơn vị sử dụng NSNN, với cơ quan thu, với ngân hàng, công tác kiểm soát kế toán; công tác phân bổ dự toán trên giấy và hệ thống…; hoặc những điểm mấu chốt của văn bản quy phạm pháp luật mới dễ gây hiểu lầm, vận dụng sai… Trong hoạt động này, cần dựa vào các khung kiểm soát rủi ro của mỗi loại hình nghiệp vụ, kết hợp kinh nghiệm và thực tế… để chi tiết các nội dung và cách thức kiểm tra, kiểm soát rủi ro.
Cuối cùng, sau khi đã xác định các nội dung nêu trên, cần có kế hoạch và bố trí hợp lý về nhân sự, thời gian… cho mỗi cuộc kiểm tra. Tùy từng tính chất và yêu cầu đã nêu để xác định nhân sự cho phù hợp về số lượng và chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Việc kiểm tra có thể kết hợp giữa các đơn vị chuyên môn của cấp trên hoặc chỉ đơn vị chuyên trách. Cần chuẩn bị trước về trọng tâm kiểm tra trên cơ sở số liệu đã nắm bắt tại cấp trên qua báo cáo, hoặc sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để rà soát trước các nghi ngờ…
Theo bà Hoài, thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác KTKT tại các đơn vị KBNN, đồng thời góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN, giúp hệ thống KBNN và các đơn vị liên quan đảm bảo tuyệt đối an toàn tiền, tài sản của Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý tài chính, ngân sách.


Vân Hà