Cơ chế giá dịch vụ BOT mang lại lợi ích cho người dân


(TBTCO) – Hiện dư luận đang có nhiều ý kiến về “trạm thu phí”, “trạm thu giá”. Theo quy định, cách gọi “Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ” là phù hợp. Việc chuyển sang cơ chế giá đối với loại hình dịch vụ này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân với cơ chế minh bạch.

>> Phí BOT muốn chuyển sang giá, phải được Quốc hội cho phép
>> Chuyển sang “trạm thu giá” BOT để linh hoạt điều hành giá

“Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”
Theo Luật Phí và lệ phí, kể từ ngày 1/1/2017, có 44 khoản phí và lệ phí sẽ được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá, trong đó có 17 dịch vụ do Nhà nước định giá. Khi được chuyển từ phí và lệ phí sang cơ chế giá, các dịch vụ này sẽ sử dụng phương pháp tính giá theo Luật Giá; đồng thời về cơ bản, Nhà nước sẽ không trực tiếp hỗ trợ đối với các dịch vụ này. Trong đó, đối với các nhóm mặt hàng mà Nhà nước còn định giá, sẽ tính đúng, tính đủ chi phí cung ứng dịch vụ, trường hợp cần tăng giá thì phải thực hiện có lộ trình. Đối với giá các dịch vụ Nhà nước không định giá thì thực hiện theo cơ chế thị trường.
Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, gồm 17 nhóm hàng hóa, dịch vụ. Chính phủ giao thẩm quyền định giá 10/17 nhóm hàng hóa, dịch vụ cho 6 bộ, với các hình thức định giá. Trong đó, “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh”.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, thuộc lĩnh vực quản lý. Thông tư chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Theo các quy định nêu trên, có thể thấy, cách gọi “Trạm thu giá” là cách gọi tắt chưa đầy đủ của các “Trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ”, mà giá dịch vụ sử dụng đường bộ có nhiều loại hình, trong đó có BOT.
Việc chuyển đổi này, nói như ông Đinh Văn Nhã – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, là phù hợp với xu hướng và khái niệm này, nhằm để người dân hiểu rằng: “Đây không phải là một khoản tiền mà doanh nghiệp hoặc Nhà nước thu, mà người sử dụng dịch vụ như đường bộ, khám chữa bệnh, đi học thì phải trả tiền”.
Định giá: Không phải doanh nghiệp “muốn làm gì thì làm”
Theo một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực giá, vấn đề mấu chốt của việc chuyển từ phí sang giá là làm minh bạch mặt bằng giá, tính đúng, tính đủ trên các khoản vốn đầu tư trên các đoạn đường, nhất là đoạn đường BOT. Minh bạch trong chủ thể tham gia, trong phương án và yếu tố hình thành giá là những đặc điểm nổi bật của phương án giá dịch vụ.
Việc chuyển sang cơ chế giá đối với loại hình dịch vụ này đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân với một cơ chế minh bạch, tính đúng tính đủ chi phí, từ đó yêu cầu nhà đầu tư giảm giá, thay vì giảm thời gian thu phí; đồng thời, thực hiện minh bạch các khoản chi phí. Khi chuyển sang cơ chế giá, các khoản chi phí đó đã được kiểm toán và quyết toán với các nhà đầu tư.
Căn cứ kết quả kiểm toán, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các nhà đầu tư và đề nghị xem xét việc hình thành giá; trên cơ sở đó yêu cầu nhà đầu tư giảm giá, thay vì giảm thời gian thu phí. Hiện đã có 73 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT giảm giá.
Đánh giá về lợi ích của các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ nói trên trong thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của Chính phủ. Ở đây, phải nói rằng hai bên cùng có lợi chứ không phải riêng một bên nào có lợi. Phải nhìn vào bản chất của sự việc, xem việc thu giá làm con đường đó có hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương hay không, có tạo thuận lợi cho người dân không, có giúp ích cho phát triển hay không? Còn việc gọi là trạm BOT, hay là trạm thu giá BOT, trạm thu phí BOT, chỉ là tên gọi thôi”.
Những lo lắng việc chuyển sang cơ chế giá, doanh nghiệp lập phương án giá “muốn làm gì thì làm” là không có cơ sở. Bởi vì trên cơ sở phương án giá của doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ định giá theo đúng hướng dẫn của Thông tư 35/2016/TT-BGTVT.
Thông tư hướng dẫn cụ thể về mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ và mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án, trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại thông tư này.
Được biết, ngoài phí BOT, hiện vẫn còn nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được nghiên cứu để chuyển sang cơ chế giá. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, “định danh” các loại dịch vụ, loại hàng hóa dịch vụ nào thuộc phí, lệ phí thì phải ghi rõ trong luật, còn lại sẽ thực hiện theo cơ chế giá./.


Minh Anh