BOT Cai Lậy giảm 30% giá vé nhưng người dân phải đóng nhiều tiền hơn?


Theo đề xuất giảm giá vé nhưng tăng thời gian thu tiền lên 10 năm, tương đương 120 tháng, người dân sẽ phải đóng hơn 1.982 tỷ thay vì 1.398 tỷ đồng so với mức phí ban đầu.

Ngày 30/11, sau ba tháng rưỡi tạm ngưng hoạt động, trạm BOT Cai Lậy bắt đầu thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000 và cao nhất là 140.000 đồng/xe/lượt. 
Chia sẻ với PV, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – chủ đầu tư BOT Cai Lậy, cho biết khả năng lớn đợt thu mới này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm (tương đương 120 tháng), so với 6 năm 5 tháng (tương đương 77 tháng) như trước đây.
PV tiến hành nghiên cứu để tính được doanh thu thật sự của dự án trong phương án mới này.
Lấy vốn đầu tư dự án là 1.398 tỷ đồng và giả sử nhà đầu tư mong muốn lợi nhuận “khiêm tốn” là 30% thì người dân phải đóng 1.817,4 tỷ đồng trong suốt thời gian BOT Cai Lậy hoạt động.
Theo tính toán, với phương án đầu tiên, mỗi tháng BOT Cai Lậy thu được 23,6 tỷ đồng. Với phương án thu phí đã giảm 30% giá vé như hiện nay, mỗi tháng số tiền thu được là 16,5 tỷ.
Tuy nhiên, theo như đề xuất tăng thời gian thu tiền lên 10 năm, tương đương 120 tháng, người dân sẽ phải đóng hơn 1.982 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa số tiền phải đóng thêm hơn 165 tỷ đồng.
BOT Cai Lay giam 30% gia ve nhung nguoi dan phai dong nhieu tien hon? hinh anh 2
Một tài xế nhận 100 đồng tiền thối sau khi dùng “chiến thuật 25-1”. Ảnh: Trương Khởi.
Nếu trong trường hợp tăng thời gian thu tiền lên gấp đôi, tức là 12 năm 10 tháng, tương đương 154 tháng, người dân sẽ phải đóng 2.544 tỷ đồng, số tiền đóng thêm so với phương án gốc hơn 726 tỷ đồng.
Nghiên cứu của PV chưa tính toán đến việc BOT được quyền tăng giá vé sau vài năm hoạt động.
Từ đây có thể nhận thấy rõ ràng, dù nhà đầu tư chấp nhận giảm giá vé xuống 30%, nhưng lại trình phương án tăng thời gian thu phí, người dân phải đóng thêm số tiền lớn so với phương án thu gốc.
Các loại phí, lệ phí cầu đường cao đang tạo gánh nặng, làm “kiệt sức” cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, ảnh hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh. Không chỉ vậy, tất cả các chi phí cầu đường, nhiên liệu đều sẽ được tính vào giá cước vận tải, người gánh cuối cùng chính là người tiêu dùng.

Mạnh Hà – Ngân Giang