Nỗi lo chiến tranh thương mại lại bao trùm nhà đầu tư

(ĐTCK) Việc Mỹ công bố thêm danh mục hàng trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc sẽ bị áp thuê 10% từ tháng 9 khiến nỗi lo trở lại với nhà đầu tư, kéo thị trường chứng khoán, vàng và dầu thô đồng loạt lao dốc trong phiên thứ Tư.

Sau 4 phiên hồi phục tích cực với kỳ vọng vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan, phố Wall đã đồng loạt quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư khi nỗi lo chiến tranh thương mại một lần nữa trở lại sau khi Mỹ công bố thêm danh sách hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế 10% trị giá 200 tỷ USD bắt đầu tư tháng 9.

Tuyên bố này của Mỹ khiến Trung Quốc “bị sốc” và có thể làm leo thang thêm cuộc chiến thương mại giữa 2 nước. Trước đó, 2 bên đã “nổ phát súng” đầu tiên từ 6/7 với khoản thuế 25% áp cho số lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD.

Thậm chí, Mỹ còn có ý định đánh thuế đối với danh mục hàng hóa trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc trong thời gian tiếp theo.

Dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vừa công bố cho thấy, chỉ số giá sản xuất trong tháng 6 tăng 0,3% so với tháng 5, nhưng dữ liệu này không tác động tới thị trường khi nỗi lo chiến tranh thương mại đang bao trùm giới đầu tư.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Dow Jones giảm 219,21 điểm (-0,88%), xuống 24.700,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,82 điểm (-0,71%), xuống 2.774,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 42,59 điểm (-0,55%), xuống 7.716,61 điểm.

Tương tự phố Wall, nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang đã khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu ồ ạt bán ra sau 5 phiên tăng tốt trước đó, kéo chứng khoán khu vực này lao dốc trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 100,08 điểm (-1,30%), xuống 7.591,96 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 192,72 điểm (-1,53%), xuống 12.417,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 80,42 điểm (-1,48%), xuống 5.353,93 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Âu, Mỹ, trên thị trường chứng khoán châu Á, sau 3 phiên tăng điểm, các thị trường chứng khoán chính trong khu vực đồng loạt quay đầu giảm mạnh sau khi Mỹ công bố danh  áp thêm thuế 10% đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 9 tới.

Kết thúc phiên 11/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 264,68 điểm (-1,19%), xuống 21.932,21 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 370,56 điểm (-1,29%), xuống 28.311,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 49,85 điểm (-1,76%), xuống 2.777,77 điểm.

Không chỉ chứng khoán, nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang còn khiến vàng bị bán tháo trong phiên thứ Năm, kéo giá kim loại quý này lao dốc mạnh, xuống mức thấp nhất gần 12 tháng. Ngoài ra, việc đồng USD hồi phục mạnh cũng gây sức ép lên giá kim loại quý.

Kết thúc phiên 11/7, giá vàng giao ngay giảm 14,0 USD (-1,11%), xuống 1.241,0 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 11 USD (-0,88%), xuống 1.244,4 USD/ounce.

Cũng giống chứng khoán và giá vàng, nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang cũng khiến giá dầu thô lao dốc mạnh trong phiên thứ Tư. Ngoài ra, việc sản lượng sản xuất của Lybia sắp trở lại đầy đủ sau thời gian gián đoạn vì chính trị cũng tác động tiêu cực lên giá dầu.

Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô Mỹ giảm 3,73 USD (-5,30%), xuống 70,38 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 5,46 USD (-7,44%), xuống 73,40 USD/thùng.

T.Lê