Những người phải chọn đi cướp hoặc chết đói ở Venezuela


Cướp bóc và bạo lực bùng lên ở nhiều thành phố và thị trấn Venezuela khi người dân tuyệt vọng vì lương thực thiếu thốn.

Tối ngày 9/1, một nhóm người đói ăn chỉ mất 30 phút để cướp sạch một cửa hàng tạp hóa ở Puerto Ordaz, thành phố phía đông Venezuela. Khi đó, chủ tiệm Luis Felipe Anatael bất lực nhìn đám người quét sạch mọi thứ trong cửa hàng mới mở 5 tháng trước, lấy đi từ chai nước sốt cà chua cho tới két đựng tiền, theo Guardian.
“Tôi chỉ muốn khóc thôi”, Anatael nói. “Tôi cho là tình hình trong nước sắp hỗn loạn”.
Bằng chứng cho dự đoán của Anatael có thể nhìn thấy ở khắp các thị trấn và thành phố tại Venezuela, những nơi mà nạn cướp bóc và bạo lực đang bùng nổ. Giận dữ vì siêu thị không có hàng và giá cả tăng vọt, một số người đã đột nhập vào nhà kho, lục soát xe tải chở thực phẩm, thậm chí tới các nông trại xa xôi tìm đồ ăn.
Trong 11 ngày đầu tiên của tháng một, tổ chức Quan sát Xung đột Xã hội Venezuela, một nhóm nhân quyền ở thủ đô Caracas, đã ghi nhận 107 vụ cướp bóc và vài người chết ở 19 trên 23 bang của đất nước.
Những con số này không thể hiện đầy đủ tình trạng tuyệt vọng vì đói ăn của người dân Venezuela. Trên đảo Margarita, hàng chục người đã xuống biển, lên tàu cá cướp cá mòi. 
Ở thành phố Maracay, phía tây Caracas, trộm đã đột nhập và một trường thú y, đánh cắp hai con ngựa đang mang thai và giết thịt. Ở bang miền tây Merida, một nhóm người vây bắt con bò trước khi ném đá nó tới chết, trong khi những người đứng xem hét lên: “Người dân đang chết đói!”
Các nhà phân tích lo ngại cướp bóc sẽ tiếp tục lan rộng ở Venezuela khi kinh tế đất nước rơi tự do. Tổng thống Nicolas Maduro cho rằng đất nước đang hứng chịu “cuộc chiến tranh kinh tế” do phe cực hữu và lợi ích nước ngoài gây ra nhằm chống lại chính phủ của ông.
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích phản đối, cho rằng chính phủ của ông Maduro đã phá vỡ nền sản xuất lương thực nội địa bằng cách bổ sung công các trang trại và nhà máy. Trong khi đó, nhiều biện pháp kiểm soát giá cả được ban hành nhằm giúp người nghèo mua được thực phẩm đã phản tác dụng, khiến mức giá bán ra thấp hơn chi phí sản xuất và buộc các nhà sản xuất phải dừng hoạt động.
Trong khi đó, chính phủ thiếu tiền nhập khẩu thực phẩm vì quản lý ngành dầu mỏ yếu kém, lĩnh vực mà năng lực sản xuất đã tụt xuống thấp nhất trong vòng 29 năm qua. Siêu lạm phát và tiền mất giá khiến thực phẩm được bán trên chợ đen với giá trên trời, ngoài tầm với của nhiều hộ gia đình.
Thay vì cải cách kinh tế, chính phủ lại lựa chọn các biện pháp ít hiệu quả như thành lập Bộ Nông nghiệp Đô thị, khuyến khích người dân trồng cà chua và nuôi gà ở sân trong và trên mái nhà. Một chiến dịch khác cổ vũ người Venezuela nuôi thỏ lấy thịt. Trong một hội nghị gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Đô thị Freddy Bernal tuyên bố:
“Chúng ta cần người dân hiểu được thỏ không phải là thú nuôi mà là 2,5 kg thịt!”
Nhưng người Venezuela vẫn đói ăn và buộc phải hành động để sống sót. Ở thành phố phía tây Maracaibo, người dân đã tràn ra đường chặn xe tải chở đầy bột mỳ, bánh kẹo và cướp sạch.
“Chúng tôi buộc phải cướp, nếu không sẽ chết đói”, Maryoli Corniele, một trong những người tham gia vụ cướp, giải thích với báo địa phương.
Một số vụ là tự phát, nhưng một số vụ nhằm mục tiêu vào các cửa hàng hay xe tải thực phẩm dường như được lên kế hoạch cặn kẽ qua các nhóm chat trên Facebook hay Whatsapp, còn lực lượng an ninh mắt nhắm mắt mở.
Dù cửa hiệu của Anatael nằm ngay trên phố gần một đồn cảnh sát, nhưng lời cầu cứu của ông bị bỏ qua. Anatael phẫn nộ vì quan chức cảnh sát tuyên bố thiếu lực lượng để bảo vệ doanh nghiệp. 
“Mỗi khi có biểu tình chống chính phủ, họ lại mang nào hơi cay, nào xe tăng và lính tới”, Anateal nói. “Nhưng với những người làm kinh doanh như chúng tôi, họ không bảo vệ”.

Hồng Hạnh