Giới đầu tư ngập ngừng chờ tin mới

(ĐTCK) Chờ đợi thông tin chính thức từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung khiến chứng khoán, giá vàng và dầu thô đều giao dịch lình xình trong phiên cuối tuần qua.

Phố Wall có phiên giao dịch giằng co cuối tuần và đóng cửa giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung và thị trường chịu tác động tiêu cực của nhóm tài chính, công nghệ và đà điều chỉnh của cố phiếu năng lượng theo giá dầu thô.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Dow Jones tăng 1,11 điểm (+0,01%), lên 24.715,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,16 điểm (-0,26%), xuống 2.712,97 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 28,13 điểm (-0,38%), xuống 7.354,34 điểm.

Tâm lý thận trọng khiến phố Wall đã điều chỉnh trở lại trong tuần qua sau tuần hồi phục trước đó. Cụ thể, Dow Jones đảo chiều giảm 0,47%, chỉ số S&P 500 điều chỉnh 0,54% và chỉ số Nasdaq giảm 0,66%, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Sau chuỗi tăng ấn tượng, chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần qua, nhưng điều đó cũng không ngăn được chứng khoán lục địa già có chuỗi tuần tăng điểm tốt nhất kể từ năm 2014 nhờ sự hỗ trợ bởi giá dầu thô tăng.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 9,18 điểm (-0,12%), xuống 7.778,79 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 36,89 điểm (-0,28%), xuống 13.077,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,40 điểm (-0,13%), xuống 5.614,51 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng duy trì được đà tăng nhẹ tuần qua và là tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chuỗi tăng tốt nhất kể từ năm 2014.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 0,70%, chỉ số DAX tăng 0,59% và chỉ số CAC 40 tăng 1,31%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên yếu đi đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, lên mức cao nhất 3 tháng, trong khi đó, kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ có kết quả tốt đẹp, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng có sắc xanh trong phiên cuối tuần, đặc biệt là chứng khoán Trung Quốc đại lục tăng mạnh hơn 1,2%.

Kết thúc phiên 18/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 91,99 điểm (+0,40%), lên 22.930,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 105,76 điểm (+0,34%), lên 31.047,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,02 điểm (+1,24%), lên 3.193,30 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có tuần tăng đột loạt thứ 2 liên tiếp. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản kéo dài chuỗi tăng liên tiếp của mình lên con số 5, chứng khoán Trung Quốc cũng có được 4 tuần tăng liên tiếp.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,75%, chỉ số Hang Seng tăng tới 3,07% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,95%.

Giá vàng tiếp tục dao động lình xình trong phiên cuối tuần và đóng cửa có mức tăng nhẹ. Giá vàng hiện đang loay hoay tìm hướng đi khi chưa có thông tin tác động đủ lớn ngoài việc đồng USD đang tăng giá khá mạnh.

Kết thúc phiên 18/5, giá vàng giao ngay tăng 1,7 USD (+0,13%), lên 1.291,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 1,9 USD/ounce (+0,15%), lên 1.291,3 USD/ounce.

Sau khi hồi phục nhẹ trên dưới 0,2% trong tuần trước đó sau 3 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã nhanh chóng đảo chiều trở lại trong tuần qua với mức giảm lần lượt là 1,97% và 2,06%.

Với diễn biến và các thông tin hiện tại, cả giới phân tích và nhà đầu tư đều không có được sự đồng thuận về xu hướng chính của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 7 người, chiếm 44% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, giảm mạnh so với mức 79% của tuần trước; số người dự báo giảm cũng là 7 người, chiếm 44%, cao hơn con số 11% của tuần trước và có 2 người dự báo đi ngang, chiếm 13%.

Tương tự, trong 605 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến (thấp hơn rất nhiều so với gần 2.500 lượt người của tuần trước), có 296 người, chiếm 49% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn nhiều con số 89% của tuần trước đó; 241 lượt người, chiếm 40% dự báo giảm, cao hơn nhiều so với mức 7% của tuần trước đó và 68 lượt người, chiếm 11% có quan điểm trung tính.

Sau chuỗi tăng mạnh, giá dầu thô điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng vẫn có được tuần tăng thứ 6 liên tiếp nhờ nhận sự hỗ trợ bởi căng thẳng quanh việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạ nhân với Iran. Trong tuần, thậm chí giá dầu thô Brent đã lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 vượt ngưỡng 80 USD/thùng (phiên thứ Năm 17/5).

Kết thúc phiên 18/5, giá dầu thô Mỹ giảm 0,21 (-0,29%), xuống 71,28 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,79 USD (-1,01%), xuống 78,51 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 0,82% và giá dầu thô Brent tăng 1,8%.

T.Lê