Giới đầu tư hân hoan với dữ liệu kinh tế tích cực

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần qua, cả chứng khoán, giá vàng và dầu thô đều đồng loạt tăng điểm, trong đó giá vàng và dầu thô có phiên tăng mạnh. Tất cả các thị trường đều có tuần tăng tốt trong tuần qua.

Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng điểm trở lại trong phiên thứ Sáu nhờ dữ liệu kinh tế tích cực và sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ sau khi đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Năm.

Cụ thể, theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ tăng trong tháng 9 và chỉ số về niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2004.

Một báo cáo khác cho thấy, giá tiêu dùng có mức tăng lớn nhất trong tháng 8 do ảnh hưởng của 2 cơn bão lớn là Harvey và Irma, nhưng lạm phát cơ bản vẫn được giữ ổn định.

Chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong phiên cuối tuần qua, đóng cửa ở mức 9,61.

Trong phiên cuối tuần qua, phố Wall cũng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ khi chỉ số S&P công nghệ tăng 0,5%, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng lại phân hóa sau báo cáo kết quả kinh doanh trái ngược của Bank of America và Wells Fargo.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng mức tăng rất nhẹ, không đù bù đắp phiên giảm trước đó để lên mức cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Dow Jones tăng 30,71 điểm (+0,13%), lên 22.871,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,24 điểm (+0,09%), lên 2.553,17 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 14,29 điểm (+0,22%), lên 6.605,80 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,43%, chỉ số S&P 500 tăng 0,15% và Nasdaq tăng 0,24%. Như vậy, chỉ số Dow Jones đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chỉ số S&P 500 có tuần tăng thứ 4 liên tiếp và Nasdaq có tuần tăng thứ 3 liên tiếp.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu đã có diễn biến trái chiều trong phiên cuối tuần. Trong khi chứng khoán Anh đảo chiều giảm trở lại, thì chứng khoán Đức có mức hồi phục nhẹ, chứng khoán Pháp tiếp tục điều chỉnh nhẹ.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,80 điểm (-0,28%), xuống 7.535,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 8,98 điểm (+0,07%), lên 12.991,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,07 điểm (-0,17%), xuống 5.351,74 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 0,17%, chỉ số DAX cũng có tuần tăng thứ 6 liên tiếp với mức tăng 0,28%, trong khi đó, chỉ số CAC 40 lại quay đầu giảm nhẹ 0,15% trong tuần qua, sau 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng vọt trong phiên cuối tuần, lên mức cao nhất 21 năm bất chấp đà sụt giảm mạnh của cổ phiếu Kobe Steel Ltd sau thông tin hãng thép này làm giả chất lượng sản phẩm. Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh khi nhà đầu tư tin tưởng vào đảng của đương kim Thủ tướng Shinzo Abe sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cũng có sắc xanh trong phiên cuối tuần, dù sắc xanh trên 2 thị trường này nhạt hơn rất nhiều so với chứng khoán Nhật Bản.

Kết thúc phiên 13/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 200,46 điểm (+0,96%), lên 21.155,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 17,40 điểm (+0,06%), lên 28.476,43 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,44 điểm (+0,16%), xuống 3.391,54 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,24%, chỉ số Hang Seng tăng 0,06% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,26%. Như vậy, chứng khoán Nhật Bản đã có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chứng khoán Hồng Kông cũng có 2 tuần liên tiếp có sắc xanh, dù đà tăng trong tuần vừa rồi rất nhẹ. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có tuần tăng thứ 5 liên tiếp sau khi tuần nghỉ giao dịch trước đó.

Trên thị trường vàng, việc lạm phát cơ bản của Mỹ vẫn ở mức thấp, khiến giới đầu tư kỳ vọng khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm ít đi đã hỗ trợ cho giá vàng tăng vọt trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 13/10, giá vàng giao ngay tăng 10,2 USD/ounce (+0,79%), lên 1.303,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 9,6 USD/ounce (+0,74%), lên 1.306,1 USD/ounce.

Vỡi chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua (trọn 5 phiên tăng điểm và 6 phiên tăng liên tiếp nếu tính từ phiên cuối tuần trước đó), giá vàng đã chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm giá liên tiếp. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 12 cùng tăng 2,13%.

Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 10 sau thông tin tích cực từ dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc và quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, cùng căng thẳng khác ở Trung Đông.

Cụ thể, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đạt 9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, trung bình 8,5 triệu thùng/ngày trong 9 tháng đầu năm, củng cố vị thế là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Kết thúc phiên 13/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,85 USD (+1,65%), lên 51,45 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,92 USD (+1,61%), lên 57,17 USD/thùng.

Như vậy, sau tuần điều chỉnh trước đó, dầu thô đã lấy lại đà tăng mạnh trong tuần qua. Cụ thể, tuần kết thúc ngày 13/10, giá dầu thô Mỹ tăng 4,38% và giá dầu thô Brent tăng 2,79%.

T.Lê