Sẽ không miễn trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém

(VNF) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sáng nay (26/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Theo đó, dự thảo Luật mới nhất sẽ sửa đổi theo hướng phân tách rõ nhóm phương án phục hồi và nhóm phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi như giải thể, phá sản, chuyển giao bắt buộc nhằm đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi triển khai.

Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.

Về trách nhiệm đối với phương án phục hồi, dự thảo mới sửa đổi tách bạch hơn theo hướng tổ chức tín dụng có trách nhiệm xây dựng phương án phục hồi, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi, trình Ngân hàng Nhà nước.

Đối với ý kiến đề nghị quy định theo hướng áp dụng phương án phục hồi trước khi áp dụng một trong các phương án cơ cấu lại khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định không quy định bắt buộc phải áp dụng phương án phục hồi trước khi áp dụng các phương án cơ cấu lại khác trong dự thảo luật.

Về đề xuất miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Với đề xuất bổ sung quy định, làm rõ hơn quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp thực hiện phương án khác ngoài phương án phá sản TCTD, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chỉ quy định quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án phá sản và không cần quy định về nội dung này khi thực hiện phương án cơ cấu lại khác, bởi quyền lợi người gửi tiền sẽ không bị ảnh hưởng khi thực hiện các phương án khác ngoài phá sản.

Đối với nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại TCTD.

Thanh Long