Rủi ro rút tiền từ thẻ tín dụng qua máy POS

Những dòng quảng cáo rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS (máy chấp nhận thanh toán thẻ), với mức phí từ 1,5%, không chỉ xuất hiện ở các trang mạng internet, mạng xã hội,… mà còn ở các tin nhắn gửi đồng loạt cho người tiêu dùng.

Rút tiền qua máy POS thu hút khá nhiều người, do mức phí thấp hơn rút tại các cây ATM. Tuy nhiên cách rút tiền này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Lách” vay nóng từ thẻ

Sau khi nhận được tin nhắn với nội dung: “Rút tiền mặt thẻ tín dụng phí từ 1,5%, ship nội thành Hà Nội…”, phóng viên đã liên hệ với chủ thuê bao có số máy xxx943 để tìm hiểu thêm. Người này giới thiệu là nhân viên của một công ty tài chính có trụ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). 

Trước khi giới thiệu về dịch vụ, anh nhân viên tên H. “mào đầu”: “Bạn cần gấp 30 triệu tiền mặt, nhưng theo quy định của ngân hàng, bạn không thể rút hết số tiền mà nhiều nhất chỉ rút được 50% hạn mức/tháng. Phí mỗi lần rút tiền từ thẻ tín dụng rất cao, từ 4% trở lên và bạn sẽ bị tính lãi ngay tại thời điểm rút tiền, lên đến 25%/năm. Nhưng với dịch vụ của công ty, bạn chỉ mất phí từ 1,5% sẽ lập tức có ngay số tiền bạn muốn, có thể lên đến 100% hạn mức. Khi bạn trở thành khách hàng thân thiết của công ty, mức phí còn được giảm thêm từ 0,1 đến 0,3%”.

Với những lời giới thiệu đó, nếu chủ thẻ tín dụng đang thật sự cần tiền mặt, lại từng rút tại cây ATM (bị khống chế số lượng tùy từng ngân hàng) với mức phí lên tới từ 4 đến 6% tổng số tiền giao dịch, sẽ lập tức bị thuyết phục. 

Thực chất, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS được hiểu như một “chiêu” lách vay tiền “nóng”, với lãi suất chỉ từ 1,5% trong vòng từ 30 đến 45 ngày (tùy từng ngân hàng). Cụ thể, như trường hợp người viết bài này, với một thẻ tín dụng được cấp hạn mức 80 triệu đồng, sẽ ngay lập tức được rút 30 triệu đồng (có thể rút nhiều nhất 80 triệu đồng). 

Chủ thẻ chỉ phải trả cho người quẹt thẻ mức phí 1,6% (sẽ giảm xuống còn 1,5% nếu rút hơn 70 triệu đồng). Sau 45 ngày, chủ thẻ mới phải thanh toán số tiền vay từ thẻ tín dụng. 

Thậm chí, nếu đến thời điểm thanh toán, chủ thẻ chưa có tiền thì đầu mối nêu trên cũng sẽ cung cấp luôn dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng với mức phí từ 1,6% trở lên. Ngoài ra, với một máy POS di động, các giao dịch này có thể được thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Từ trường hợp thực tế của phóng viên và tìm hiểu ở nhiều nơi, có thể thấy, dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua máy POS rất chuyên nghiệp và chu đáo, có thể thỏa mãn các nhu cầu của chủ thẻ như: cần tiền mặt gấp, việc đáo hạn trả nợ, thời gian, địa điểm giao dịch, lãi suất thấp,… 

Trong khi hiện nay, theo quy định của pháp luật, chỉ có các máy POS đặt tại ngân hàng hoặc các đơn vị được cấp phép thực hiện rút tiền mặt tại quầy mới được cung ứng tiền mặt cho chủ thẻ. 

Mức phí cho các giao dịch này cũng khá cao, lên đến 4% tổng số tiền giao dịch. Còn lại, máy POS được cài đặt và sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ (như cửa hàng, công ty, tiệm vàng,…) chỉ có thể sử dụng để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho chủ thẻ chứ không được rút tiền mặt.

Ngăn chặn rủi ro bằng quy định

Theo Luật sư Trương Thanh Ðức, nếu đối chiếu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cả chủ thẻ lẫn người quẹt thẻ đều không được phép rút tiền mặt trong thanh toán hàng hóa bằng thẻ tín dụng. Nói cách khác, thực hiện các hành vi này, cả chủ thẻ và người quẹt thẻ đã vi phạm pháp luật. 

NHNN đã nhiều lần ra văn bản nhằm chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống. Theo cơ quan này, thực tế, có hiện tượng đơn vị chấp nhận thẻ cung ứng cho chủ thẻ tín dụng dịch vụ rút tiền mặt qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS/mPOS), hoặc thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để sử dụng thẻ tín dụng, nhằm rút tiền mặt mà không phát sinh việc mua bán hàng hóa và dịch vụ. 

“Ðây là hành vi giao dịch khống, bị cấm theo quy định của pháp luật, có nguy cơ phát sinh rủi ro, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường thẻ tại Việt Nam”, đại diện NHNN khẳng định.

Nhưng thực tế, dù không đúng quy định pháp luật, song các dịch vụ này lại đang nở rộ và trở nên công khai, nhất là vào dịp cuối năm khi nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao. Theo giải thích của nhiều chuyên gia kinh tế, khi chủ thẻ và người cung cấp dịch vụ quẹt thẻ còn trông thấy nhiều kẽ hở để trục lợi thì việc “dập tắt” nó rất khó khăn, nhất là khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Song, xét cho cùng, những lợi ích này chỉ mang tính trước mắt, về lâu dài lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng khuyến cáo: Những điểm cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ ngân hàng này đã cung cấp hóa đơn dịch vụ “khống” cho ngân hàng, bởi khách hàng không mua hàng. 

Chưa kể, do các điểm dịch vụ này có thể giữ lại thẻ cùng chứng minh nhân dân của chủ thẻ qua đêm để hoàn tất thanh toán, thẻ tín dụng của khách có nguy cơ bị sao chép thông tin cá nhân, nhằm sử dụng vào các mục đích xấu như ăn cắp thông tin, làm giả thẻ nhằm rút tiền mặt, gây thiệt hại cho chủ thẻ và ngân hàng.

Ðể vừa hài hòa và đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, vừa kiểm soát rủi ro trong hoạt động thanh toán thẻ, NHNN đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng, với khá nhiều điểm mới. Trong đó, nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người là quy định cho phép rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ ở điểm bán.

Một lãnh đạo NHNN cho biết, theo đề xuất của các ngân hàng và phù hợp thông lệ quốc tế, để đáp ứng chi tiêu tiền mặt của chủ thẻ trong một số trường hợp khẩn cấp, ngoài giờ làm việc, nơi không có ATM, các dịch vụ không hỗ trợ thanh toán thẻ,… NHNN dự kiến bổ sung thêm dịch vụ rút tiền mặt tại POS với hạn mức không quá năm triệu đồng/ngày. 

Dự kiến như vậy, nhưng đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có cho rút tiền từ thẻ tín dụng qua POS hay không và nếu cho phép thì hạn mức là bao nhiêu, phí rút thế nào,… Qua đây, cũng cho thấy việc làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động trong thanh toán thẻ tiếp tục là bài toán khó đối với các nhà quản lý, điều hành.

Việc cho phép rút tiền mặt tại POS, một mặt phù hợp xu thế chung khi muốn thẻ được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Những nhà kinh doanh chấp thuận cho phép đặt máy POS vô hình trung sẽ là mạng lưới cung cấp dịch vụ cho tài chính ngân hàng, tiện cho người dùng. 

Nhưng mặt khác, cũng sẽ tạo ra sản phẩm cho vay rủi ro hơn, bởi ngân hàng khó quản lý được khách hàng sử dụng vào mục đích gì sau khi rút tiền, chưa kể rủi ro liên quan vận hành, như việc chi trả tiền mặt tại đơn vị chấp nhận thẻ, có thể bị trả tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông,… 

Do đó, cũng nên cân nhắc khi cho phép rút tiền mặt qua máy POS tại đơn vị chấp nhận thẻ.

Nguyễn Ðình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB

Hồng Anh