Phúc thẩm vụ án tại Navibank


Chiều 13/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank” (nay là ngân hàng Quốc Dân – NCB).

Trước đó, sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank và 9 bị cáo khác trong vụ án đều có đơn kháng cáo, trong đó 1 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Navibank.
Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền, nguyên Trưởng phòng Pháp chế Navibank, kêu oan từ đầu vụ án đến nay đã có đơn gửi hội đồng xét xử (HĐXX) xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên toà chiều 13/8, trả lời những câu hỏi của HĐXX, các bị cáo tiếp tục cho rằng bị oan vì Navibank không có chủ trương gửi tiền vào Vietinbank lấy lãi cao và xin HĐXX xem xét hành vi không vì vụ lợi trong việc gửi tiền tại Vietinbank.
Bị cáo Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn, khi được hỏi trước toà về việc gửi tiền thì cho biết đã được người bên Vietinbank chào mời. Năm 2010, Võ Anh Tuấn đại diện bên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mời chào bị cáo là bên Vietinbank có nhu cầu huy động vốn, do đó bị cáo đã báo cáo với ban lãnh đạo ngân hàng Navibank trong cuộc họp giao ban và ngân hàng cũng không có chủ trương nào về gửi tiền. Bị cáo muốn kiến nghị với cơ quan điều tra là bị cáo không có đề xuất gì hết.
Bị cáo Huỳnh Vĩnh Phát cho rằng mình phụ trách về kế toán của Navibank nhưng không biết số tiền thiệt hại 200 tỷ đồng của Navibank gửi tại Vietinbank, chỉ khi cơ quan điều tra thông báo thì bị cáo mới biết.
Bị cáo Đinh Thị Đoan Trang, nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, cho rằng bản án sơ thẩm chưa xét đến tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo khi cáo trạng của cơ quan điều tra lại kết luận Trang vừa là thành viên hội đồng Alco vừa là thành viên của hội đồng tín dụng. Án sơ thẩm đã chỉ ra thiếu sót này của cáo trạng nhưng bị cáo chưa được áp tình tiết này để giảm án, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ án cho bị cáo.
Tại phiên toà, bị cáo Phạm Thị Hiền, nguyên Trưởng phòng Pháp chế, khóc nức nở khi trả lời HĐXX. Bị cáo Hiền cho rằng, là thành viên hội đồng tín dụng nhưng không được cung cấp đầy đủ thông tin về hồ sơ những khoản vay, bị cáo chỉ kiểm tra chút xíu về hồ sơ tín dụng (khóc). Sau thời gian kháng cáo bị cáo đọc lại bản án thì thấy là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bị cáo không hề biết gì về chủ trương ngân hàng cho vay để đi gửi tiền, bị cáo chỉ là cán bộ pháp chế có nhiệm vụ thẩm tra tính pháp lý của khoản vay căn cứ vào quy chế cho vay và quy định về tài sản đảm bảo của Navibank… thì bị cáo cho vay. Bị cáo nhận thấy hành vi của mình có chút phát sinh nhiệm vụ, bị cáo nhận khuyết điểm, xin HĐXX xem xét cho bị cáo.
Số tiền 200 tỷ đồng thiệt hại bị vênh?
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX truy số tiền 200 tỷ đồng gây thiệt hại mà Huỳnh Thị Huyền Như (cựu cán bộ Vietinbank) lấy từ tài khoản của 4 nhân viên Navibank, nhưng số dư trong tài khoản của 4 nhân viên này tại Vietinbank vẫn còn 298 triệu đồng đến 31/12/2011.
Thẩm vấn đại diện Vietinbank, HĐXX hỏi về số tiền 200 tỷ đồng thiệt hại là Huyền Như lấy ra từ tài khoản tiền gửi của 4 nhân viên Navibank có đúng không?
Đại diện Vietibank cho biết, Huyền Như giả chữ ký rút ra hơn 140 tỷ đồng từ tài khoản của 4 nhân viên Navibank và vay 57,5 tỷ đồng bằng cách làm giả bảo lãnh từ 8 sổ tiết kiệm của nhân viên Navibank trị giá 59,5 tỷ đồng.
Như vậy, theo HĐXX thì tổng số tiền mà Huyền Như đã rút ra chưa đủ 200 tỷ đồng?
Đại diện Vietinbank cho rằng, trong quá trình thu hồi nợ, ngân hàng đã thu hồi nợ cả gốc lẫn lãi thì số tiền mất ở trong những tài khoản này là 59,5 tỷ đồng chứ không phải là 57,5 tỷ đồng (thu lãi 2 tỷ đồng). Kết luận của cơ quan điều tra khẳng định Huyền Như đã rút 200 tỷ đồng của các hợp đồng còn lại từ 4 nhân viên Navibank…
HĐXX hỏi bị án Huyền Như về số tiền trong tài khoản của 4 nhân viên Navibank là tiền từ sổ tiết kiệm hay là số tiền chuyển tài khoản (tiền do Navibank chuyển vào tài khoản 4 nhân viên này) và còn tại Vietinbank đúng không?
Bị án Huyền Như trả lời, số tiền trong tài khoản là tiền của 4 nhân viên Navibank hiện còn tại đó (31/12/2011). Tiền tiết kiệm thì bị án đã rút ra hết rồi.
Về số dư 298 triệu đồng còn lại trên 8 tài khoản của 4 nhân viên Navibank khi HĐXX hỏi thì Huyền Như xác nhận rút không hết nên còn lại.
Đại diện Vietinbank phản biện cho rằng Huyền Như đã rút hết tiền sau đó Huyền Như chuyển từ chỗ khác vào…
Về phía Navibank, bị cáo Nguyễn Giang Nam, nguyên Phó tổng giám đốc, cho rằng trong số tài khoản của 14 cá nhân là nhân viên của Navibank mở tại Vietinbank đều có hợp đồng với Vietinbank, trong đó có tài khoản của 4 cá nhân liên quan đến khoản tiền thiệt hại 200 tỷ đồng, bên phía toà sơ thẩm chỉ cung cấp sao kê đến ngày 31/12/2011.
Do đó, bị cáo Nam đề nghị HĐXX yêu cầu Vietinbank cung cấp 14 sao kê của 14 tài khoản cá nhân Navibank đứng tên đến thời điểm hiện tại, liên quan đến 8 sổ tiết kiệm của 4 nhân viên Navibank đề nghị Vietinbank cung cấp hồ sơ xét duyệt cho vay và thu nợ của 8 sổ tiết kiệm đó.
Về đề nghị này đã được HĐXX chấp thuận.
Theo cáo trạng, tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỷ đồng; trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỷ đồng, lãi chênh lệch là 24,3 tỷ đồng. Số tiền lãi ngoài hợp đồng Navibank đã chuyển cho 47 lượt cá nhân. Trong vụ án này, Huyền Như đã chuyển trả cho Navibank 1.343 tỷ đồng, còn 200 tỷ đồng mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Navibank (nay là Ngân hàng Quốc Dân). 
Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã tuyên phạt 10 bị cáo mức án từ 7 đến 13 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại số tiền lãi chênh lệch là 24,3 tỷ đồng.  

H.TRÂM