Phải đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn


Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tại hội nghị tổng kết 5 năm (2012 – 2016) thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ” diễn ra ngày 28/6 tại Cần Thơ.

Chia sẻ

Tweet

Phó Thủ tướng cho biết, mức độ thực hiện chính sách này tại khu vực Tây Nam bộ vẫn còn thấp so với bình quân cả nước. Trong khi tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách cả nước đạt gần 160 ngàn tỷ đồng, thì vùng Tây Nam bộ mới chỉ gần 28 ngàn tỷ; cả nước có 30 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), trong khi vùng này chỉ có hơn 2 triệu lượt hộ… Phó Thủ tướng yêu cầu từ 3 đến 5 năm tới phải “phủ sóng” và 100% đối tượng đủ điều kiện phải được thụ hưởng chính sách. Bên cạnh đó, phải đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tín dụng phi chính thức, tín dụng đen ở nông thôn. Tăng tổng dư nợ và tăng số hộ được tiếp cận nguồn vốn từ chính sách này…
Để làm được điều đó, Phó Thủ tướng cho rằng huy động nguồn vốn vẫn là giải pháp xương sống. Cần duy trì, tăng số tiền gửi của các ngân hàng thương mại vào Ngân hàng CSXH. Các tỉnh trong vùng cần tăng mức vốn ủy thác vì hiện mức bình quân ủy thác của vùng còn quá thấp (72 tỷ so với 127 tỷ của cả nước). Là vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… nên đây là một chính sách, rất quan trọng.
“Ngân hàng CSXH cùng các địa phương hoàn thiện thể chế, làm sao để thủ tục đơn giản nhất, điều kiện cho vay dễ dàng, nhất là cho vay giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, chính sách bình đẳng giới…” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Tính đến 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ đạt 27.838 tỷ đồng, tăng hơn 10.918 tỷ đồng so với cuối năm 2011; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 – 2016 đạt 10,5%. Giai đoạn này có trên 2,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong khu vực được vay vốn từ Ngân hàng CSXH.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 386 nghìn hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147 nghìn lao động; giúp trên 184 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 1 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh nông thôn, trên 36 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% năm 2012 xuống 8,46% năm 2016 theo tiêu chí nghèo đa chiều…  

Cảnh Kỳ