“Ông lớn” ngân hàng xin “nới quota” tín dụng?


Nhiều khả năng, các ông lớn ngân hàng sẽ sớm xin Ngân hàng Nhà nước “nới quota” tín dụng. Vấn đề đặt ra là liệu khi các ngân hàng được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì liệu thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn hay không?

Trả lời báo chí, một đại diện NHNN cho biết về hạn mức tăng tín dụng thì đã có hạn mức rồi. Việc chỉ tiêu tăng được Chính phủ cho phép nới lên 21% NHNN cũng đã sẵn sàng cung vốn cho nền kinh tế. “Tuy nhiên, nới hạn mức không có nghĩa là nới điều kiện vay, các điều kiện sẽ vẫn chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, quy trình”, vị này khẳng định.
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đã đạt 11,5%. Theo báo cáo về tình hình kinh tế tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) thì tín dụng tính đến hết tháng 8/2017 ước tăng 11,5% so với cuối năm ngoái (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,2%). Điều này đồng nghĩa với việc dư nợ cho vay đã tăng khá tốt riêng trong tháng vừa qua với 2,2%.
Cũng theo báo cáo này, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm, ước tăng 8,8% (cùng kỳ 2016 tăng 11%), chiếm 54% tổng tín dụng. Tín dụng ngắn hạn ước tăng 14,1% (cùng kỳ tăng 9%), chiếm gần 46% tổng tín dụng. Tín dụng bằng VND chiếm 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng.
Trước khả năng hệ thống ngân hàng sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18% đặt ra hồi đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.
Với mức hoàn thành 11,5% trong 8 tháng kết hợp với yếu tố mùa vụ cuối năm, BVSC cho rằng khả năng toàn hệ thống ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tín dụng hơn 20% là hoàn toàn có thể.
“Ông lớn” ngân hàng xin “nới quota” tín dụng? - ảnh 1
Vietcombank được dự báo có thể là một trong những NHTM xin nới room tín dụng
Cụ thể, theo thống kê, trên thực tế, một số ngân hàng TMCP gần đây đã có động thái xin nới “room” tăng trưởng tín dụng như ACB, VIB. Ngay cả ba ngân hàng có vốn Nhà nước lớn hiện đang niêm yết là Vietcombank. BIDV, VietinBank  cũng đã có tăng trưởng cho vay ở mức cao trong nửa đầu năm nay nên nhiều khả năng cũng sẽ sớm xin NHNN nới quota tín dụng. Vấn đề đặt ra là liệu khi các ngân hàng được khuyến khích tăng cung vốn cho nền kinh tế thì liệu thanh khoản của hệ thống có gặp khó khăn hay không.
Chỉ ra những yếu tố trên, chiều 14/9, nhóm phân tích BVSC khẳng định, điều này có thể sẽ diễn ra tại một số thời điểm nhất định, nhất là trong giai đoạn cao điểm chi trả nhu cầu thanh toán vào cuối quý IV. “Tuy vậy, về tổng thể, chúng tôi đánh giá rủi ro này không quá lớn và chủ yếu mang tính thời điểm”, BVSC cho hay.

Khánh Huyền