Điều gì khiến Vietcombank thoái hết vốn khỏi các ngân hàng?


Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017, Vietcombank sẽ thoái toàn bộ vốn khỏi OCB, Saigonbank, CFC và đến tháng 01/2018, thoái vốn khỏi MB và Eximbank.

Ai mua cổ phiếu OCB và Saigonbank?
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – mã VCB), cho biết Vietcombank hiện đang sở hữu vốn tại 4 ngân hàng: Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Phương Đông (OCB), Xuất Nhập Khẩu (Eximbank), Quân Đội (MB) và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC).
Cụ thể, tại Saigonbank còn 4,37% vốn (13,45 triệu cổ phần), tại OCB còn 4,72% vốn (gần 19 triệu cổ phần), tại MB còn 6,97% vốn (126 triệu cổ phần), tại Eximbank còn 8,2% vốn (101 triệu cổ phần) và CFC còn hơn 10,9% vốn (6,6 triệu cổ phần).
Ngân hàng dự định thoái vốn khỏi 3 tổ chức tín dụng là Saigonbank, OCB và CFC trong thời gian còn lại của năm 2017.
Dự kiến, ngày 20/11/2017, Vietcombank sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phần Saigonbank, tương đương 4,3% vốn điều lệ, giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần, dự kiến thu về 265 tỷ đồng; Bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phần tại CFC, giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phần, thu về hơn 76 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, giá trị sổ sách của hai khoản đầu tư tại Saigonbank và CFC lần lượt là 123 tỷ đồng và 71 tỷ đồng. Nếu đấu giá thành công, Vietcombank có khoản lãi khoảng hơn 47 tỷ.
Trên thị trường OTC, thị giá của cổ phiếu Saigonbank đang xoay quanh mức 11.800 đồng/cổ phần. Thị giá cổ phiếu của OCB đang quanh mức 12.000 đồng/cổ phần.
Đối với cổ phiếu của Eximbank và MB, dự kiến tháng 1/2018, Vietcombank sẽ bán hết vốn tại 02 ngân hàng này, dù trước đó Ngân hàng Nhà nước đã khuyến nghị giữ lại cổ phiếu Eximbank để hỗ trợ tái cơ cấu. Khoản lợi nhuận thu về từ hai thương vụ này khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đứt đoạn sở hữu chéo
Cách đây 05 năm, câu chuyện sở hữu chéo trong ngành ngân hàng đã gây nhức nhối cho các nhà quản lý ngân hàng và các chuyên gia tài chính. Theo ví von của TS. Vũ Thành Tự Anh,

Giám đốc Trường chính sách công và quản lý, đại học Fulbright Việt Nam, “đĩa mỳ spaghetty” sở hữu chéo đó ngày càng rối rắm, ẩn chứa sự trục lợi và thôn tính.
Nếu sự đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lẫn nhau, tạo ra tình trạng “ngân hàng trong ngân hàng” không vì mục đích tham gia vào hoạt động ngân hàng đó hoặc được vay ưu đãi thì mục tiêu nhắm tới là cổ tức ngân hàng và chênh lệch giá cũng không còn béo bở như những năm 2006-2007. Thời điểm đó, giá “cổ phiếu vua” sau một đêm ngủ dậy đã tăng chóng mặt, nhiều người vác cả bao tải tiền mua bán “cổ phiếu vua” công khai…
Thực tế, vài năm trở lại đây, nhiều ngân hàng không chia cổ tức, giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm thê thảm so với thời hoàng kim… nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng có lợi nhuận thấp và chậm bởi sự điều chỉnh liên tục của thị trường và ảnh hưởng của các mã chứng khoán có vốn hóa lớn khác…
Tình trạng sở hữu chéo ngân hàng vẫn đang còn đó khi Viecombank đang sở hữu 8,2% vốn của Eximbank, còn Eximbank đang sở hữu 8,76% vốn của Sacombank.
Theo quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 02 tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ nắm giữ dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại tổ chức tín dụng đó.
Nếu vượt quy định, ngân hàng nắm giữ phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư 36 có hiệu lực từ cuối năm 2014.
Thủ tướng đã phải nhắc nhở Vietcombank về việc chậm trễ xử lý tình trạng sở hữu chéo tại ngân hàng này.
Trong khi miếng mồi lợi nhuận không còn hấp dẫn, sự trục lợi ngân hàng sẽ bị soi kỹ, bên cạnh cục nợ xấu đang khó giải quyết, dù đã có “Thượng phương bảo kiếm” là Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, nhưng vẫn phải chờ hiệu quả từ thực tế khi nhiều con nợ không hợp tác và cơ quan thi hành án còn quá chậm. Việc “nhả” vốn của các ngân hàng mà Vietcombank đang nắm giữ là phương án tốt hơn cả.

Lan Anh