ĐHĐCĐ Sacombank: Ông Trầm Bê gửi lời xin lỗi cổ đông, ông Dương Công Minh trúng cử HĐQT

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Sacombank sẽ bầu lại thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.

Sáng 30/6/2017, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 tại TP.HCM.

Danh sách ứng viên ứng cử vào HĐQT và Ban Kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021:
Tại ĐHĐCĐ, báo cáo của HĐQT Sacombank cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước (NHNN), ngày 01/10/2015 Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) chính thức sáp nhập vào Sacombank theo Quyết định số 1844/2015/QĐ – NHNN của Ngân hàng nhà nước (NHNN).
Sau sáp nhập, vì nhiều yếu tố khách quan, nên trong năm 2016 Sacombank chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên. Tại ĐHĐCĐ thường niên lần này, HĐQT báo cáo hoạt động của HĐQT trong nhiệm kỳ 2011 – 2015, kế hoạch hoạt động năm 2017 và định hướng hoạt động của nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Trong giai đoạn 2011-2015, các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của Ngân hàng đều đạt tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn ngành (không bao gồm yếu tố sáp nhập): Tổng tài sản tăng bình quân 12,4%/năm .Tổng huy động tăng bình quân 15,6%/năm. Trong đó, huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng bình quân 24%/năm.
Tổng tín dụng tăng bình quân 16,7%/năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng bình quân 15,6%/năm. Lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 8%/năm.
Năm 2013, chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%; Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 14%; Năm 2014, chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%; Năm 2015, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%; Chia cổ phiếu quỹ kết hợp thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; Chia cổ phiếu hoán đổi từ giao dịch sáp Southern Bank vào Sacombank với tỷ lệ 8,75%. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2016 lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông là 1.014.105.000.000 đồng.
Sacombank tiếp tục hướng tới năm 2017 với các chỉ tiêu kế hoạch tài chính quan trọng:
Tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng và đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định.
Báo cáo của Ban điều hành cho biết, sau hơn 1 năm sáp nhập, Sacombank đã đạt được một số kết quả tổng quan như sau:
Quy mô tổng tài sản, huy động, cho vay tăng trưởng ổn định; chiếm lĩnh thị phần lớn tại các địa bàn hoạt động. Trong đó, 21/48 tỉnh thành chiếm 5%-10%; 12/48 tỉnh thành chiếm trên 10%.
Thu dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập (20%, tăng 7% tỷ trọng).
Hoàn thành việc kiểm toán đánh giá chất lượng tài sản có (TSC) của NHTMCP Phương Nam và Sacombank, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan cơ chế xử lý tài chính phù hợp. Tích cực xử lý triệt để nợ quá hạn, nợ xấu, nợ bán VAMC, giảm dần các khoản mục không sinh lời. Tỷ lệ khoản phải thu/TTS giảm khoảng 1,5% so với thời điểm mới sáp nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng tồn tại một số hạn chế nhất định chưa thể giải quyết dứt điểm ngay được:
Tỷ lệ tài sản có không sinh lời, nợ xấu cao là trọng tâm ưu tiên xử lý hàng đầu trong quá trình tái cơ cấu…
Theo đó, quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank tiếp tục thực hiện một số mục tiêu và giải pháp cụ thể:  Xây dựng mô hình hoạt động hướng đến chuẩn mực quốc tế và xuyên suốt theo định hướng thống nhất .
Tăng tốc hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa nguồn vốn với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2025 là 13%.
Đẩy mạnh cho vay tăng trưởng bình quân 18%-20% để củng cố nguồn thu chính.
Nâng dần tỷ trọng thu dịch vụ, tăng trưởng bình quân 17%.
Kiểm soát nợ xấu dưới mức 3%. Giải quyết nhanh nợ xấu / tài sản tồn đọng, trong vòng 3 năm phải giải quyết căn bản từ 65%-75% nợ xấu/ tài sản tồn đọng mà Sacombank đã và sẽ bán cho VAMC.
Tăng cường năng lực tài chính thông qua tăng vốn chủ sở hữu qua nhiều hình thức: tăng vốn cấp 2, tăng vốn điều lệ từ cổ đông hiện hữu (tăng bình quân 9%), nhà đầu tư chiến lược, tăng lợi nhuận không chia…
Quản trị chi phí hiệu quả (tăng bình quân không quá 9%) theo hướng ưu tiên chi phí trực tiếp cho hoạt động kinh doanh, cắt, giảm/ kéo giãn các chi phí chưa thực sự cần thiết; tiết kiệm các chi phí gián tiếp, tránh lãng phí…
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank đọc Tờ trình về việc bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát năm 2017-2021.
Do nhiều yếu tố nên vừa qua Sacombank chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ theo như dự định. Nay, tại ban lãnh đạo Sacombank kính trình cổ đông về việc bầu thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.
Đã có một số ứng viên gửi đơn xin rút ứng cử tới Ngân hàng Nhà nước và được chấp thuận nên số lượng danh sách ứng viên không như danh sách đã trình Ngân hàng Nhà nước lần trước.
Theo danh sách ứng viên HĐQT và Ban Kiểm soát đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, trong đó, bà Lê Thị Hoa ứng cử làm thành viên HĐQT độc lập.
Đang trong chương trình báo cáo và lấy ý kiến về danh sách nhân sự ứng cử, một số cổ đông đã nêu ý kiến về hoạt động Sacombank trong thời gian qua cũng như nhân sự ứng cử vào thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ tới.

Cổ đông đặt câu hỏi tại đại hội  
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho biết về lý lịch ông Dương Công Minh vì liên quan đến sân Golf, sân bay Tân Sơn Nhất… Theo thông tin thì tất cả cổ phần của sân Golf Tân Sơn Nhất đã được chuyển nhượng. Nếu Sacombank không nắm rõ thông tin về cổ phần của ông Minh liên quan đến sân Golf Tân Sơn Nhất, vì nếu sau này Chính phủ có thay đổi quyết định về sân Golf thì sẽ ảnh hưởng đến Sacombank…
Tại sao bắt chúng tôi chịu những chi phí khi nhận sáp nhập ngân hàng Phương Nam. Vai trò của ông Trầm Bê  đến nay tại Sacombank thế nào khi trước 2015 nợ xấu có 1,8% nhưng nay lại tăng rất cao?
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Sacombank: Những thắc mắc của cổ đông sẽ trao đổi trong phần thảo luận. Tất cả cổ đông đều có quyền của mình là chấp thuận hoặc từ chối thông qua lá phiếu biểu quyết của mình. Hiện nay, ông Trầm Bê không còn cổ phần nào tại Sacombank.
Trong 6 tháng qua, hiệu quả hoạt động kinh doanh của Sacombank rất tốt, tất cả chi nhánh của Sacombank làm ăn được. Tại sao các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến Sacombank? Điều này cho thấy Sacombank vẫn rất hấp dẫn. Có những quốc gia trên thế giới trong hoạt động tái cơ cấu ngân hàng đều có sự sáp nhập các ngân hàng, chẳng hạn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Chính phủ các nước này đều hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu. Việt Nam cũng vậy, trong quá trình tái cơ cấu như giai đoạn nay cần góp sức và ủng hộ từ nhiều phía, chúng ta nên ngồi lại để tìm xem chặng đường tiếp theo đi như thế nào để Sacombank hoạt động tất nhất.
Năm 2000 tôi là cổ đông của Sacombank lúc đó ở Nguyễn Chí Thanh và thấy Sacombank làm ăn được nhưng sau đó ông Trầm Bê nhảy vào Sacombank thì thấy ngân hàng đi xuống. Chúng tôi chắt chiu từng đồng xu thì đến bây giờ chả được bao nhiêu, cổ tức thì không có.
Chúng tôi tham gia mua cổ phiếu STB từ lúc 18.000 đồng/cổ phần, nay thị giá giảm. Chúng tôi muốn biết thêm thông tin về ông Trầm Bê? Còn ông Dương Công Minh tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT Sacombank thì tôi thấy thông tin về ông Minh quản lý ngân hàng Bưu điện Liên Việt rất tốt nên tôi cho rằng để ông Minh vào Sacombank là ủng hộ.

 

Từ lúc Sacombank có thêm lãnh đạo HĐQT mới thì tôi chưa thấy Sacombank  hoạt động hiệu quả nhiều… Tôi xin hỏi ông Kiều Hữu Dũng là có thông tin ông Đặng Văn Thành muốn trở về “Sacombank của chúng tôi” không? Vì tôi mua cổ phiếu Sacombank từ lâu, hơn 596.263 cổ phiếu nhưng tôi vẫn chưa bán ra vì tôi vẫn có niềm tin lớn về Sacombank. Tôi hỏi năm nay có chia cổ tức không? Tại sao ông Trầm Bê ra đi?
Tôi vẫn thắc mắc về ông Dương Công Minh vì liên quan đến sân golf Tân Sơn Nhất. Sau sáp nhập thì trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước thế nào? Trong đó có vấn đề gì lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân ở đây? Tại sao lại có ứng viên là bà Lê Thị Hoa ứng cử thành viên HĐQT độc lập?

 

Tôi thấy sân golf Tân Sơn Nhất liên quan đến ông Dương Công Minh thì cũng không ảnh hưởng đến Sacombank. Tôi thấy ông Minh đủ yếu tố bước vào Sacombank và làm cho ngân hàng này phát triển.
Tôi đã mua bất động sản của Him Lam và thấy hài lòng. Do đó, tôi thấy ông Dương Công Minh đủ năng lực tham gia vào HĐQT của Sacombank.
Tôi hỏi đại diện Ngân hàng Nhà nước ở đây về cơ sở nào buộc Sacombank sáp nhập vào ngân hàng Phương Nam? Có áp lực nào khi một ngân hàng có lãi gánh thua lỗ của một ngân hàng khác?
Sau khi sáp nhập ngân hàng Phương Nam thì Sacombank có phương án rõ ràng nào để khắc phục khó khăn? Tôi thấy nợ xấu của Sacombank chủ yếu liên quan đến bất động sản. Tôi muốn hỏi ông Dương Công Minh có kế hoạch nào về xử lý nợ xấu tại Sacombank? Việc triển khai nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu thông qua sẽ ảnh hưởng đến Sacombank thế nào?
Tôi đọc tài liệu cổ đông thấy lợi nhuận của Sacombank giảm mạnh trong năm 2015 và 2016, giảm tới gần 80% năm 2016. Quý vị có thể giải thích cho chúng tôi không? Năm 2017 có thể chia cổ tức cho cổ đông không?
Ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên HĐQT Sacombank giải trình cổ đông về lợi nhuận, cổ tức…:  Tại ĐHĐCĐ bất thường về sáp nhập ngân hàng Phương Nam vào Sacombank chúng tôi đã đã giải trình cho cổ đông về nhiều vấn đề. Trong đó, trước mắt sau sáp nhập còn nhiều khó khăn, lợi ích của cổ đông khi sáp nhập thì ngân hàng đã chia cổ phiếu cho cổ đông của Sacombank và việc hoán đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa xong vì liên quan đến thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chưa thể đăng ký cổ phiếu bổ sung. Sau khi kết thúc ĐHĐCĐ này, ban lãnh đạo Sacombank sẽ hoàn tất thủ tục và tiến hành niêm yết bổ sung. Dự kiến trong 1-2 tháng tới hoàn tất và cổ đông có thể giao dịch các cổ phiếu đó.
Trước khi sáp nhập, thị giá cổ phiếu STB là 16.000 đồng/cổ phần, nay thị giá xuống thấp hơn nhưng là do điều chỉnh sau sáp nhập.
Hoạt động của Sacombank trước đó còn những bất ổn khiến thị giá xuống dưới mệnh giá, nhưng hiện nay cổ phiếu của Sacombank đã tăng trở lại. Sacombank có nguồn lực quý giá là con người, đây là tài sản quan trọng giúp Sacombank xử lý những tồn đọng trong thời gian sắp tới.
Về định hướng hoạt động sắp tới: Sau ĐHĐCĐ này, hoạt động của Sacombank trên cơ sở còn tốt về thương hiệu, khách hàng… HĐQT mới sẽ có định hướng mới về tái cơ cấu ngân hàng, làm sao đẩy mạnh thế mạnh của Sacombank. Thời gian đầu tái cơ cấu chúng ta phải có chi phí cho hoạt động này.
Thời gian tới, Sacombank tập trung xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu. Xử lý càng nhanh thì sẽ gia tăng tài sản có sinh lời cho ngân hàng. Hiện tài sản có sinh lời của Sacombank rất lớn tới 80.000-90.0000 tỷ đồng.
Nếu Sacombank có sự bổ sung nguồn lực từ các thành viên HĐQT mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ xử lý được 75% nợ xấu trong vòng 3 năm tới.
Sacombank sẽ sử dụng mạng lưới để bán chéo sản phẩm. Dự kiến nguồn thu nhập từ đây trên 3.000 tỷ đồng.
Sacombank tiếp tục triển khai chương trình tiếp cận các nguồn lực quốc tế để thực hiện đề án tái cơ cấu thành công.
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank: Ông Trầm Bê dù không có mặt tại ĐHĐCĐ lần này nhưng cũng nhờ tôi gửi lời xin lỗi cổ đông.
Việc duy trì hoạt động một ngân hàng với rất nhiều tin đồn quả là khó khăn với những người điều hành như chúng tôi.
Trong hoạt động kinh doanh, Sacombank là ngân hàng có nguồn thu lợi nhuận từ dịch vụ khá lớn. Thẻ của Sacombank đứng đầu thị trường. Thực tế khó khăn nhưng khách hàng vẫn hài lòng về Sacombank. Trong 5 năm qua, chúng tôi phát triển mạnh hoạt động bán lẻ.
Về cổ tức thì chúng tôi cố gắng. Chẳng hạn như ngân hàng Techcombank trong 5 năm qua cũng không chia cổ tức để tăng năng lực cạnh tranh.
Chúng tôi thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông vì không như kỳ vọng. Nếu với sự tham gia của ông Dương Công Minh thì ngân hàng sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động từ thành thị đến nông thôn. Bên cạnh đó, học tập từ Vietcombank về hoạt động quản trị.
Những người như ông Dương Công Minh vào Sacombank sẽ xử lý tốt hơn những tồn đọng của Sacombank.
Hy vọng 3-4 năm nữa cổ đông Sacombank sẽ nhận được những giá trị từ ngân hàng sau tái cơ cấu.
Về mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát, sau sáp nhập thù lao của 2 ban này đã giảm một nửa và tiếp tục giảm để tiết kiệm chi phí cho ngân hàng. Đây là nỗ lực lớn của chúng tôi trong việc chia sẻ với cổ đông.
Kết quả bầu cử
Ông Hà Văn Trung, Phó Tổng giám đốc Sacombank, Trưởng Ban kiểm phiếu đọc kết quả phiếu bầu:
Nhân sự trúng cử làm thành viên HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021
1.      Ông Kiều Hữu Dũng: Tỷ lệ phiếu bầu 66,42%
2.      Ông Dương Công Minh: Tỷ lệ phiếu bầu 198,32%
3.      Ông Phạm Văn Phong: Tỷ lệ phiếu bầu 65,45%
4.      Ông Nguyễn Miên Tuấn: Tỷ lệ phiếu bầu 72,58%
5.      Ông Nguyễn Xuân Vũ: Tỷ lệ phiếu bầu 65,54%
6.      Bà Lê Thị Hoa: Tỷ lệ phiếu bầu 93,56%
Nhân sự trúng cử thành viên Ban Kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021:
1.      Ông Hà Tôn Trung Hạnh; Tỷ lệ phiếu bầu 83,0041%
2.      Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Tỷ lệ phiếu bầu 82,92%
3.      Ông Lê Văn Tòng: Tỷ lệ phiếu bầu 82,56%
4.      Ông Trần Minh Triết: Tỷ lệ phiếu bầu 125,056%

 HĐQT và Ban kiểm soát Sacombank nhiệm kỳ mới
Sau khi các thành viên HĐQT mới trúng cử đã hội ý và nhất trí bầu ông Dương Công Minh là Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021.
Ông Kiều Hữu Dũng và ông Phạm Văn Phong là Phó Chủ tịch HĐQT. Trưởng Ban Kiểm soát của Sacombank là ông Trần Minh Triết.

Lan Anh