Đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng sụt hẳn so với cùng kỳ 2018

Báo cáo mới của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,74%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,68% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4%, thấp hơn khá nhiều so với con số cùng kỳ năm 2018 là 9,52%.
Như vậy, cả tăng trưởng huy động và cho vay từ đầu năm đến nay đều thấp hơn cùng kỳ năm 2018; trong đó riêng tăng trưởng tín dụng sụt hẳn đáng chú ý.
Theo kế hoạch đưa ra từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu tín dụng cho cả năm 2019 là 14%, tương đương với mức tăng trưởng của năm 2018.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định, lãi suất huy động ở một số ngân hàng tăng nhẹ, chủ yếu ở kỳ trung và dài hạn nhằm đảm bảo sự cân đối kỳ hạn và giới hạn an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng. 
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5%-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6%-7,5%/năm. 
Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. 
Cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III/2019 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 23%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%. 
Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng năm 2019 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%.

Trần Thúy