Đại biểu quốc hội: Ngoài chủ nợ, cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người đi vay

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết nợ xấu chiều 12/6, nhiều đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ nhiều vấn đề của Nghị quyết…

Đi vào nguyên tắc của xử lý nợ xấu thì cơ quan soạn thảo đã có 4 nguyên tắc, bao gồm nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, nguyên tắc không sử dụng các khoản chi ngân sách và nguyên tắc các tổ chức, cá nhân có vi phạm thì chúng ta xử lý nghiêm túc.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê hị Thuỷ (Hải Dương), các nguyên tắc này này cần phải được làm rõ thêm một số vấn đề.

Cụ thể, trong nguyên tắc xử lý nợ xấu thì chỉ mới đề cập đến quyền lợi của chủ nợ, trong khi đó còn có quyền lợi của người đi vay và người có liên quan.

“Rõ ràng trong quan hệ vay mượn thì có cả chủ nợ và người đi vay, nhưng nghị quyết của chúng ta chỉ mới đề cập vấn đề này. Người có liên quan chỉ xuất hiện khi chúng ta xử lý tài sản đảm bảo. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, vì chúng ta cũng biết rằng trong trường hợp người đi vay nếu tài sản đảm bảo của họ là hợp đồng tiền gửi, tiền gửi ký quỹ, tiền gửi đến tài khoản thanh toán thì tính thanh khoản cao, khi người vay quá hạn không trả nợ được thì tổ chức tín dụng sẽ xử lý được ngay.

“Tuy nhiên, nếu người đi vay đem bảo đảm bằng tài sản thì thực tế lúc này họ đã rất khó khăn. Nhưng khi xử lý nợ mà chúng ta không tính đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người đi vay và lúc này cũng xuất hiện cả người có liên quan nữa, mặc dù người có liên quan không phải là trực tiếp nhưng không bảo vệ được quyền lợi cho họ thì sẽ không tạo được sự đồng thuận, chúng ta sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình thực hiện khi xử lý vấn đề này”, đại biểu Thuỷ nêu ý kiến.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào nguyên tắc xử lý một nội dung đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người đi vay, người có liên quan vào ngay sau cụm từ “chủ nợ” ở Khoản 1, tức là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ và của người đi vay, người có liên quan.

Còn đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) thì cho rằng, việc nói không sử dụng các khoản chi ngân sách Nhà nước cho xử lý nợ xấu là quá tuyệt đối.

Theo đại biểu, nợ xấu do bản thân quá trình phát triển nền kinh tế đương nhiên có và đặc biệt do quá trình của chúng ta là môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, nếu phát sinh nợ xấu thì nhà nước phải tính toán có nguồn lực để xử lý.

“ Nếu để cho ngân hàng cứ loay hoay xử lý thì việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng, đương nhiên không thể hạ lãi vay cho nền kinh tế và nền kinh tế lúc này phải chịu chi phí vốn rất cao, khả năng cạnh tranh nền kinh tế của chúng ta sẽ tiếp tục khó khăn. Vấn đề nếu không suy nghĩ, cân nhắc một cách đầy đủ để xử lý thì nó liên quan đến chuyện sức cạnh tranh cho nền kinh tế”, đại biểu nêu ý kiến.