Cựu Tổng giám đốc Chứng khoán MHB lúng túng tại toà


Trong phiên tòa, khi tham gia phần xét hỏi, cựu Tổng giám đốc Chứng khoán MHB tỏ ra lúng túng, trả lời vòng vo, có lúc xin trả lời lại do nhớ nhầm.

Chiều 3/7, phiên xử “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại CTCP Chứng khoán MHB (MHBS) diễn ra với phần xét hỏi các bị cáo và Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Tại tòa, bị cáo Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MHB kiêm chủ tịch HĐQT Chứng khoán MHB cho rằng việc buộc tội bị cáo trong cáo trạng đã không dựa trên chứng cứ và có nhiều điểm bất hợp lý.

Thứ nhất, Hội đồng quản lý tài sản nợ – tài sản có (Hội đồng ALCO) của MHB không ban hành chủ trương cho phép chuyển 4.975 tỷ đồng cho MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) theo như cáo trạng.

Cáo trạng nêu bị cáo Dũng đã lợi dụng quyền hạn là Chủ tịch HĐQT MHB kiêm MHBS chỉ đạo toàn bộ quá trình chuyển tiền từ MHB sang cho MHBS sử dụng sai mục đích.

Ông Dũng cho biết, theo các quy định tại điều lệ của MHB và MHBS cũng như các biên bản họp phê duyệt về mặt chủ trương, chỉ đạo triển khai việc đầu tư trái phiếu chính phủ thì có thể thấy rằng, người có quyền hạn trong việc triển khai chuyển tiền, theo dõi quản lý chính là Tổng giám đốc.

“Bị cáo không có thẩm quyền để thực hiện và cũng không có bất kỳ văn bản nào chỉ đạo nhân viên cấp dưới thực hiện việc chuyển vốn, chuyển lợi nhuận cho MHBS”, bị cáo Dũng nêu trong phần xét hỏi.

Trong khi đó, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng giám đốc MHBS cho rằng thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Dũng. Trong phiên tòa, khi tham gia xét hỏi, bị cáo Bình khá lúng túng, trả lời vòng vo, có lúc xin hội đồng xét xử (HĐXX) trả lời lại do nhớ nhầm.

Bị cáo Bình nêu, vào khoảng tháng 3/2011, ông Dũng chỉ đạo mua lại trái phiếu MHBS của Ngân hàng ACB, nguồn tiền do Ngân hàng MHB chuyển khoản để mua. Công ty đã mua lại 1,9 tỷ đồng của Ngân hàng ACB. Bị cáo Bình cho biết, đều trực tiếp làm việc với ông Dũng. Cuối năm 2013, do lãi suất tiết kiệm thấp hơn lãi suất trái phiếu nên ông Dũng yêu cầu mua lại 2,1 triệu trái phiếu MHBS, nguồn tiền dư gửi tại chi nhánh Ngân hàng MHB.

Tài khoản chuyển tiền trực tiếp mở tại ngân hàng MHB, dòng tiền ra vào bị cáo Bình không biết. Mỗi lần nhận vốn, điều tiết vốn bị cáo đều báo cáo với ông Dũng. Với cách trả lời này, HĐXX cho rằng, bị cáo đã trả lời lòng vòng.

Khoản 460 triệu đồng ông Dũng nhận là tiền gì?

Tại tòa, bị cáo Dũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy bị cáo đã nhận được 460 triệu tiền thù lao cho Chủ tịch HĐQT trong thời gian từ năm 2007 – 2010.

Theo quy định tại điều lệ của MHBS, các khoản thù lao cho HĐQT phải được thể hiện bằng một mục riêng tại các báo cáo tài chính hàng năm của MHBS và phải được HĐQT báo cáo cho ĐHĐCĐ để thông qua.

Bị cáo Dũng nêu, tại báo cáo tài chính các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 của MHBS đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, khoản chi thù lao cho HĐQT hoàn toàn không xuất hiện trong các báo cáo tài chính đó. Trong tất cả các báo cáo của HĐQT trước đại hội cổ đông hay nghị quyết cũng không có nội dung về tổng số tiền thù lao cho HĐQT.

Bị cáo Dũng nêu, số tiền 460 triệu đồng mà cáo trạng cho rằng bị cáo đã hưởng lợi cá nhân theo hồ sơ vụ án xác định là số tiền mà bị cáo hưởng thù lao cho chức danh Chủ tịch HĐQT của MHBS, với số tiền là 10 triệu đồng/tháng trong 4 năm (2007-2010). Tuy vậy, lại không có bất kỳ bằng chứng nào thể hiện bị cáo là người nhận tiền trực tiếp từ phòng kế toán, thủ quỹ hay gián tiếp số tiền 460 triệu đồng này.

Bị cáo Dũng cũng cho rằng, cáo trạng quy kết bị cáo có số vốn góp là 13,8 tỷ đồng, tương đương 8,12% cổ phần tại MHBS là không đúng. Bị cáo chỉ sở hữu 6% ngân hàng MHB, bằng chứng kèm theo gồm hợp đồng mua cổ phần.

HUYỀN TRÂM