BIDV: NIM năm 2017 sẽ giảm vì tái cấu trúc tài sản

Nghị quyết xử lý nợ xấu tác động tích cực về dài hạn

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Tổ chức tín dụng (TCTD).

Đối với việc xử lý tài sản đảo đảm, Nghị quyết sẽ mang lại nhiều quyền hơn cho các ngân hàng thương mại, tức là kiểm soát toàn bộ tài sản liên quan, bán theo giá thị trường (có thể thấp hơn giá trị sổ sách) và có thể áp dụng thủ tục rút ngắn tại tòa án.

Nghị quyết cũng giúp đẩy nhanh việc chuyển giao các dự án bất động sản như là một phần của việc bán tài sản thế chấp trong quá trình giải quyết nợ xấu. Nghị quyết cũng quy định ngân hàng và VAMC sẽ là người đầu tiên nhận được tiền, sau đó mới đến nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước.

Thời hạn áp dụng của Nghị quyết là 5 năm và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, Nghị quyết mới này sẽ ảnh hưởng đến ngành ngân hàng nói chung nhưng đối với mỗi ngân hàng khác nhau, mức độ ảnh hưởng sẽ dựa trên sức mạnh của chính nhà băng trong việc thu thập nợ xấu và chất lượng tài sản đảm bảo.

Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (mã BID), lượng rất lớn trái phiếu đặc biệt VAMC của ngân hàng có thể giảm đáng kể nhờ lợi thế của BIDV trong việc tận dụng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và giá trị các tài sản thế chấp so với các ngân hàng nhỏ khác.

Mặc dù cần phải có thời gian để thực hiện, nhưng ngân hàng vẫn được dự báo là sẽ có tác động tích cực trong dài hạn vì nghị quyết cho phép BIDV đẩy nhanh việc thu nợ xấu bằng cách bán tài sản thế chấp.

Khó khăn trong huy động vốn và tái cấu trúc tài sản

Bắt đầu từ tháng 9 tới đây, 10 nhà băng được NHNN chỉ định sẽ bắt đầu thí điểm áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, trong số này có BIDV.

Và để đáp ứng chuẩn Basel II, BIDV phải tăng vốn điều lệ, nhưng ngân hàng lại đang có nhiều khó khăn về giá và phương thức phát hành.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 tổ chức hồi tháng 4, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, việc tăng vốn hiện tại của BIDV là rất khó.

“Với tỷ lệ nắm giữ của Bộ Tài chính lên tới gần 95,3%, việc tăng vốn của BIDV phụ thuộc vào rất nhiều cơ chế của Nhà Nước, từ cơ chế về giá, cơ chế về phương thức phát hành…”, ông Tú nói.

BIDV cũng đã trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ thêm 13%, từ mức 34.187 tỷ đồng hiện tại lên 38.632 tỷ đồng qua 3 đợt, trong đó, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2016 khoảng 2.393 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ chi trả 7%. Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) 1.026 tỷ đồng và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư 1.026 tỷ đồng với thời gian hạn chế chuyển nhượng cùng là 1 năm.

Tuy vậy, ngay phút chót tại đại hội, cổ đông lớn nắm tới 95,28% vốn của BIDV đã đưa ra quyết định sẽ chi cổ tức năm 2016 tỷ lệ 7% bằng tiền. Tuy nhiên, cánh cửa đã mở cho ngân hàng khi Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua mới đây đã cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước có thể lựa chọn không trả cổ tức bằng tiền năm 2017. Hiện BIDV cũng chưa công bố kế hoạch trả cổ tức nào cho năm 2017, nhưng nếu ngân hàng quyết định không “nghe” theo Bộ Tài chính, thì CAR và tăng trưởng của ngân hàng sẽ được hỗ trợ rất nhiều.

Về phương án tăng vốn bằng cách bán cổ phần cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ông Phan Đức Tú cho biết, ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính là do những yêu cầu cao từ phía Nhà nước.

Tổng giám đốc BIDV cho rằng, khi bán cho đối tác, ngân hàng yêu cầu họ phải nắm giữ từ 3 đến 5 năm, hỗ trợ ngân hàng về cả mặt quản lý và kỹ thuật nhưng lại muốn bán cho họ với giá như giá bán lẻ trên sàn là rất khó. 

Trong khi đó, kế hoạch ESOP của ngân hàng cho tới thời điểm này vẫn chưa được NHNN phê duyệt.

Theo đó, trong trường hợp BIDV không thể huy động đủ vốn, ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại loại tài sản để giảm tài sản có rủi ro để tăng CAR vì BIDV đã đạt đến giới hạn trong việc huy động vốn cấp 2. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng có thể không thể đạt 16% trong năm nay.

Dự báo hoạt động kinh doanh năm 2017 của BIDV, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng tại CTCP Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, cho vay khách hàng của ngân hàng năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 15,1% so với năm 2016 do nguồn vốn cấp 1 của BIDV còn hạn chế trong khi ngân hàng không thể tăng vốn cấp 2 khi đã đạt đến giới hạn.

Do đó, BIDV sẽ tập trung tái cơ cấu khoản vay theo hướng tăng các khoản vay có rủi ro thấp để hỗ trợ hệ số CAR, đồng thời kiểm soát chất lượng tài sản.

Cũng vì phân bổ nhiều tài sản hơn cho các khoản vay có rủi ro thấp, nên hệ số NIM của năm 2017 của ngân hàng cũng được dự đoán sẽ không cao như mức 2,66 của năm 2016. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, nếu các khoản vay cá nhân tăng 20-25%/ năm thì sẽ giúp bù đắp sự suy giảm của hệ số NIM.