Bắt đầu công bố cáo trạng vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê


Sáng nay 9/1, “đại án” ngành ngân hàng tiếp tục được xét xử với phần công bố cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM.

Lúc 8h30, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân thành phố bắt đầu đọc cáo trạng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến Sacombank, TPBank, BIDV và VNCB.

Theo cáo trạng, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh cần có tiền để sử dụng nhưng không thể vay được trực tiếp tại ngân hàng VNCB nên Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng này và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV.

Đồng thời, dùng tiền của VNCB (hơn 6.630 tỷ) gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay, sau đó bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6.126 tỷ đồng, trong đó Sacombank là hơn 1.835 tỷ, TPBank là hơn 1.740 tỷ, BIDV là hơn 2.550 tỷ.

Toàn bộ số tiền các công ty vay được từ 3 ngân hàng trên được Danh chỉ đạo sử dụng cho mục đích cá nhân của Danh. Do các công ty này làm hồ sơ khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Hành vi nêu trên của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 BLHS.

 Các bị cáo nghe Viện KSND TP.HCM đọc cáo trạng, Phạm Công Danh và Trầm Bê vì lý do sức khỏe được HĐXX cho ngồi khi nghe cáo trạng – Ảnh: Huyền Trâm.

Cũng theo cáo trạng, Trầm Bê nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, là người biết Phạm Công Danh cần tiền sử dụng nhưng Danh không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được nên Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất cho Danh vay tiền.

Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất cho Danh vay tiền qua các công ty của Danh. Sau đó, Trầm Bê thống nhất với Phan Huy Khang thực hiện cho Danh vay 1.800 tỷ. Từ đó, Khang đã chỉ đạo Phan Đình Tuệ để Tuệ chỉ đạo nhân viên các chi nhánh Hưng Đạo và Quận 8 làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho vay.

Hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Danh sử dụng tiền vay trái quy định, khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ.

Hành vi đó của Trầm Bê đã tạo điều kiện để Danh có được tiền, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB. Như vậy, Trầm Bê đã giúp sức tích cực cho Danh phạm tội, gây ra thiệt hại trên. Hành vi của Trầm Bê đã phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 165 BLHS.

Cáo trạng cũng đề cập, Phan Huy Khang nguyên là TGĐ Sacombank. Khoảng giữa tháng 4/2013, Trầm Bê đã dẫn Danh đến phòng làm việc của Khang, giới thiệu Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB có nhu cầu vay khoảng 2.000 tỷ. Trầm Bê, Khang và Danh đã bàn bạc cho Danh vay từ 1.300 tỷ đến 1.800 tỷ nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi.

Khoảng 2 ngày sau, Danh đến phòng làm việc của Khang, Danh và Khang đã bàn bạc Sacombank cho Danh vay 1.800 tỷ, tài sản đảm bảo là tiền gửi từ Ngân hàng Đại Tín chuyển sang. Khang đã báo cáo Trầm Bê nội dung đã bàn bạc với Danh và được Bê đồng ý, giao cho Khang tổ chức thực hiện.

Ngày 19/4/2013, Danh cùng Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn đến gặp Khang. Tại buổi gặp mặt này, Khang mời Phan Đình Tuệ đến dự và Khang thông báo chủ trương của Trầm Bê và giới thiệu Mai là đại diện cho VNCB, Khương, Viễn đại diện các công ty vay vốn. Sau đó giao cho Phan Đình Tuệ thực hiện.

Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định, khi cho vay đã tính tước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ.

Như vậy hành vi của Khang đã giúp sức để Danh có được tiền, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB. Do đó, hành vi của Khang đã phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3, Điều 165 BLHS.

Huyền Trâm