1001 lý do ngân hàng “hoãn” lên sàn


Nói là “hoãn” bởi dù lý do là gì thì các ngân hàng vẫn sẽ phải niêm yết trước năm 2020, vừa để tuân theo quy định của cơ quan quản lý, vừa để tự giúp mình tăng vốn cấp 1 nhằm đáp ứng các điều kiện khi Basel II được chính thức áp dụng.

Mới 13/35 ngân hàng lên sàn
Từ đầu năm đến nay đã chứng kiến một loạt các nhà băng lên sàn. Mở đầu là VIB khi ngân hàng này quyết định niêm yết 564 triệu cổ phiếu trên UPCom vào ngày 9/1/2017.
Kienlongbank cũng đã niêm yết 300 triệu cổ phần trên UPCoM với giá 10.000 đồng/cổ phần hôm 29/6.
Đến ngày 17/8, VPBank cũng đưa hơn 1,33 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE và gần hai tháng sau, ngày 5/10, LienVietPostBank đưa 646 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM với mã chứng khoán là LPB.
Ngoài ra, còn một số ngân hàng cũng đang “rục rịch” chuẩn bị lên sàn như TPBank hay HDBank.
Như TPBank mới đây đã có văn bản lấy ý kiến cổ đông xem xét thông qua niêm yết cổ phiếu trên HoSE. Nếu được thông qua, HĐQT sẽ quyết định giá niêm yết, thời điểm niêm yết, đồng thời, hoàn thiện và quyết định, thông qua các nội dung của hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, HDBank cũng vừa được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) chấp thuận bảo lưu mã chứng khoán HDB và dự kiến sẽ niêm yết trên HoSE vào đầu năm sau.
Dù vậy, theo như quy định của cơ quan quản lý và nhìn vào danh sách những ngân hàng đã lên sàn thì có thể thấy con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính, chậm nhất cuối năm 2016, các ngân hàng sau khi cổ phần hóa chưa được niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán phải đăng ký giao dịch chứng khoán trên sàn UPCoM.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khi năm 2017 sắp kết thúc, mới có tổng cộng 13/35 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn.
“Mỗi cây mỗi hoa”
Có thể nói, khả năng huy động vốn dễ dàng hơn, gia tăng thanh khoản, nâng cao năng lực quản trị là những lợi ích rõ ràng mà doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng sẽ có được khi quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng tỏ ra “mặn mà” với việc này. Và cũng có nhiều lý do đã được đưa ra.
Tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 4, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng, vấn đề quan trọng là phải chọn thời điểm thật phù hợp thì mới niêm yết. Bởi, cổ phiếu chưa niêm yết không hẳn là không tốt. Niêm yết rơi vào thời điểm giá cổ phiếu không tốt thì “lợi bất cập hại”.
“Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa. Vội vàng niêm yết thì chưa hẳn đã có lợi. Để tối đa hóa giá trị cho cổ đông thì vấn đề là phải chọn được thời điểm niêm yết cho phù hợp”, bà Thảo nói.
Còn theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch ngân hàng OCB, thì nếu lên sàn mà giá cổ phiếu “như mớ rau” thì không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, OCB lên sàn với mục đích huy động vốn chứ không theo trào lưu. Do đó, ông Tuấn cho rằng niêm yết cần thời gian phù hợp nhưng cũng không để cổ đông đợi quá lâu.
Lý giải việc chưa lên sàn, lãnh đạo NamABank lại cho biết, do tình hình thị trường diễn biến chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa được sự quan tâm nên NamABank nhận thấy việc niêm yết cổ phiếu thời điểm này khó mang lại sự gia tăng giá trị cho cổ đông. 
Trong khi đó, trường hợp tại Maritime Bank lại khá lạ lùng khi chỉ hơn 3% cổ đông thông qua việc lên sàn tại ĐHĐCĐ năm 2017 tổ chức hồi tháng 5 vừa qua. Trước đó, Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, từ đầu năm ngân hàng đã chuẩn bị các thủ tục để lên VSD và chỉ chờ cổ đông thông qua.
Theo một chuyên gia tài chính lâu năm, có rất nhiều lý do để các ngân hàng chưa muốn lên sàn, trong đó, nguyên nhân chính là do hiệu quả kinh doanh của ngân hàng còn thấp, ROE, ROA thấp hơn mức trung bình trong khi nợ xấu còn ở mức cao nên sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
“Trước đây giá cổ phiếu ngân hàng tầm 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu, bây giờ chỉ 7.000-8.000 đồng nên chẳng ngân hàng nào muốn lộ diện”, vị này cho hay.
Cũng theo chuyên gia, việc niêm yết trên sàn chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính. Trong khi đó, nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu này nên họ cần thời gian tự hoàn thiện trước khi lên sàn.
Dù có nhiều lý do để trì hoãn, nhưng một điều rõ ràng, là các ngân hàng vẫn sẽ phải niêm yết trước năm 2020, vừa để tuân theo quy định của cơ quan quản lý, vừa để tự giúp mình tăng khả năng tiếp xúc với nhà đầu tư để tăng vốn cấp 1 nhằm đáp ứng các điều kiện khi Basel II được chính thức áp dụng.

Trần Thúy