Doanh nghiệp nhân thọ bước vào guồng quay tăng trưởng mới

Kết thúc năm 2017, Bảo Việt Nhân thọ tiếp tục tăng trưởng đều và duy trì được vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với thị phần doanh thu khai thác mới đạt khoảng 21%, trong khi Prudential vẫn đứng thứ 2 với thị phần khai thác mới là hơn 18%.

Được biết, mục tiêu năm 2018 của Bảo hiểm Bảo Việt là tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thị trường về doanh thu, đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững (tăng trưởng trên 20%) thông qua việc tối ưu hóa chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các hình thức thu phí tiện lợi, công cụ quản lý và thu phí, hóa đơn điện tử, giấy yêu cầu bảo hiểm  online, chatbot…

Không phủ nhận Prudential thời gian qua đã có nhiều đổi mới sau những biến động về nhân sự cũng như khủng hoảng truyền thông, nhưng vì đã “lỡ nhịp” trong guồng quay cấp tập của thị trường, nên hãng bảo hiểm từng được ví là “người khổng lồ” của thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều trong việc giành lại ngôi vị số 1, cũng như không để các doanh nghiệp bảo hiểm kề cận như Dai-ichi Life Việt Nam vượt lên.

Theo thống kê sơ bộ, thị phần doanh thu khai thác mới năm 2017 của Dai-ichi Life Việt Nam đạt hơn 16% và hiện đang theo sát nút Prudential. Giới quan sát nhìn nhận, ở nhóm doanh nghiệp đang nắm giữ phần lớn thị phần, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ vẫn là cái tên đáng lưu ý nhất, bởi đà tăng trưởng tích cực trong năm qua là bước đệm tốt cho hãng bảo hiểm này bứt phá trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, quy mô của Dai-ichi Life Việt Nam hiện đã phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố, bên cạnh các kênh phân phối trọng yếu khác như bancassurance hay bán bảo hiểm qua hệ thống bưu điện. Thực tế, hơn 90% doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam thời gian qua vẫn đến từ kênh truyền thống là đại lý. Năm 2018 mới là năm hãng bảo hiểm này đẩy mạnh các kênh hợp tác đã ký kết.

“Với việc đẩy mạnh ký kết hợp tác với các ngân hàng lớn, chúng tôi kỳ vọng trong năm nay, các kênh phi truyền thống (ngân hàng và bưu điện) sẽ đóng góp 10% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm. Con số này dự kiến tăng lên 20% trong 5 năm tới và đạt 25-30% trong khoảng từ 7-10 năm sau đó”, đại diện Dai-ichi Life Việt Nam cho biết.

Ở nhóm doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn, hãng bảo hiểm mới vào thị trường là FWD đã ghi dấu ấn trong năm qua. Cụ thể, chỉ sau 1 năm thành lập (năm 2016), sức mạnh thương hiệu của FWD đã lọt top 10 trong 18 công ty bảo hiểm nhân thọ, một kỷ lục về tốc độ tăng trưởng của một hãng bảo hiểm mới thành lập tại thị trường Việt Nam. Kết thúc năm 2017, chỉ số nhận biết thương hiệu của hãng này là 27%, đứng thứ 6 trên thị trường.

Generali Việt Nam cũng là cái tên đáng chú ý với những thay đổi nhanh chóng về dịch vụ cũng như sản phẩm để thích nghi với sự phát triển của thị trường. Kết thúc năm 2017, hãng bảo hiểm đến từ nước Ý nằm trong nhóm các doanh nghiệp có doanh thu khai thác phí mới đạt trên 1.000 tỷ đồng với thị phần khai thác mới đạt khoảng 5%.

Trong khi đó, đối với nhóm doanh nghiệp liên doanh và bán chủ yếu qua kênh ngân hàng, các hãng bảo hiểm như Aviva hay BIDV Metlife cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Được biết, hai hãng bảo hiểm này đang có nhiều chiến lược mới cho năm nay.

Năm 2018, ngành bảo hiểm đặt mục tiêu đạt doanh thu 129.246 tỷ đồng, tăng trưởng 22,38%. Với tiềm năng lớn của thị trường bảo hiểm Việt Nam, bên cạnh các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định và chính sách quản lý bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện, đa phần doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, mục tiêu này là khả thi. Thậm chí, đối với khối nhân thọ, doanh thu khai thác mới năm 2018 còn được dự báo có thể tăng trưởng khoảng 30%.

“Thị trường có thể đạt được mức tăng trưởng này do đời sống người dân tăng, tầng lớp trung lưu cũng tăng lên khiến nhu cầu về bảo hiểm tăng theo”, CEO một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận. Tuy nhiên, cũng theo vị CEO này, mức tăng trưởng 30% là “khá nóng”, thị trường chỉ cần giữ mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20-25% là ổn định.

Đánh giá về tốc độ tăng trưởng và phát triển thị trường, các chuyên gia trong ngành cho rằng, sự tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp sẽ giúp thị trường nhanh chóng lớn mạnh hơn, nhưng quan trọng hơn cả là phải duy trì đồng đều cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Ngọc Lan