Đề nghị bố trí đến năm 2020 trả đủ cho bảo hiểm xã hội khoản nợ 22 nghìn tỷ


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách đến năm 2020 trả đủ cho bảo hiểm xã hội khoản nợ 22 nghìn tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các đối tượng trước năm 1995.

Chiều 14/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Báo cáo giải trình cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách đến năm 2020 trả đủ cho bảo hiểm xã hội khoản nợ 22 nghìn tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các đối tượng trước năm 1995.
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết Chính phủ đã có báo cáo số 480/BC-CP ngày 09/10/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16/12/2015.
Theo đó, đã giao Chính phủ thực hiện việc chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020.
Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chủ động bố trí nguồn hằng năm, thực hiện đúng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
Về chi lĩnh vực môi trường, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết có một số đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét, bố trí tăng vốn cho bảo vệ môi trường, xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý môi trường nông thôn, cải thiện môi trường các làng nghề, và ưu tiên ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ô nhiễm môi trường hiện nay đang là một trong những vấn đề rất cần được quan tâm, trong đó, nổi bật là những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, môi trường tại các làng nghề, nông thôn đòi hỏi phải ưu tiên bố trí nguồn lực để khắc phục, xử lý kịp thời.
Để giải quyết những vấn đề này, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội đã dành nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương từ nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường và nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các địa phương trên cả nước và thực hiện các chương trình mục tiêu.
Bên cạnh nguồn lực từ trung ương, các địa phương có trách nhiệm bố trí chi ngân sách địa phương cho lĩnh vực môi trường (khoảng 13.000 tỷ đồng) để xử lý môi trường nông thôn, cải thiện môi trường làng nghề ở địa phương.
Bố trí vốn ngân sách nhiều hơn cho tỉnh khó khăn?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bố trí vốn đầu tư cao hơn cho các tỉnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 đã ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để xử lý những vấn đề khó khăn, như hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, hiện nay đang có nhiều công trình của trung ương đầu tư trên địa bàn các địa phương, như: các dự án quản lý, theo dõi, đánh giá tác động môi trường, khí hậu và hệ thống quan trắc tại vùng Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Đồng thời, hàng năm, ngân sách Trung ương vẫn dành nguồn dự phòng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh (năm 2017, tính đến hết tháng 10, ngân sách Trung ương đã sử dụng trên 4.000 tỷ đồng nguồn dự phòng cho nhiệm vụ trên và sử dụng trên 31.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ khẩn cấp).
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hôi đề nghị Quốc hội cho giữ như phương án đã trình và đề nghị Chính phủ chủ động sử dụng nguồn lực dự phòng, xử lý kịp thời những tình huống cấp bách phát sinh, đặc biệt quan tâm và khẩn trương có phương án hỗ trợ tối ưu nhất cho các địa phương khi gặp những thiệt hại nặng nề về thiên tai, bão lũ, dịch bệnh để bảo đảm cho người dân sớm ổn định cuộc sống. 
Theo dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 trình Quốc hội, tổng số thu ngân sách trung ương là 753.404 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. 

N.Mạnh