Xây sân bay Long Thành: Khuyến khích đầu tư nhưng cần thận trọng


Mới đây, tập đoàn Geleximco cùng một đối tác Trung Quốc đề xuất muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giới chuyên gia cho rằng, chúng ta khuyến khích các đơn vị đầu tư nhưng cũng cần thận trọng để không đi vào “vết xe đổ”.

Đề xuất “lạ mà không lạ”
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch tập đoàn Geleximco cho biết, tập đoàn có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như KAIDI, tập đoàn quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc, công ty TNHH Cổ phần đầu tư dân sinh (Trung Quốc) và tập đoàn đầu tư lớn tại Hồng Kông như IDG… Geleximco và KAIDI Dương Quang cam kết bằng kinh nghiệm của mình sẽ đảm bảo tiến độ với thời gian xây dựng vận hành từ 3 – 5 năm, giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại.
Ngay khi vừa xuất hiện, đề xuất “lạ mà không lạ” của Geleximco đã nhận được nhiều sự quan tâm. Sở dĩ nói đề xuất không lạ vì sân bay Long Thành là dự án trọng điểm, trong đó có nhiều hạng mục được bộ Giao thông Vận tải kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hoá, nhiều doanh nghiệp cũng từng có đề xuất tương tự gửi Thủ tướng Chính phủ và bộ GTVT.

 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lạ là vì theo tìm hiểu của phóng viên, tên tuổi của cả tập đoàn Geleximco và KAIDI Dương Quang đều chưa từng xuất hiện trong danh mục chủ đầu tư các sân bay trong và ngoài nước. Geleximco là doanh nghiệp được thành lập năm từ năm 1993, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực trong đó chủ yếu là nhập khẩu, thương mại, ngân hàng và bất động sản…
Từ số vốn ban đầu chỉ 2,5 tỷ đồng, đến nay tập đoàn này đã tăng vốn điều lệ lên hơn 2.400 lần đạt 6.000 tỷ đồng với hơn 30 công ty con và công ty liên doanh liên kết khắp cả nước, do ông Vũ Văn Tiền làm Chủ tịch HĐQT.
Trong nước, Geleximco làm chủ hàng loạt dự án bất động sản đình đám như trung tâm thương mại Cần Thơ; khu đô thị Cái Dăm 37ha (Quảng Ninh); khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn 135ha (Hà Nội), khu đô thị sinh thái Đồng Trúc – Ngọc Liệp 250ha tại huyện Quốc Oai (Hà Nội); Hà Phong (Vĩnh Phúc); Phú Mãn 461ha (vốn đầu tư 6.500 tỷ)…
Về phía đối tác Trung Quốc là KAIDI Dương Quang, doanh nghiệp này được thành lập năm 1992 tại Vũ Hán. Tại Việt Nam, công ty này từng làm tổng thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (tỉnh Quảng Ninh), nhà máy nhiệt điện Thăng Long (tỉnh Quảng Ninh), tư vấn dự án cho nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam), đầu tư nhà máy nhiệt điện Hải Dương có vốn gần 2 tỷ USD được xây dựng theo hình thức BOT…
Tuy vậy, dư luận cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về đề xuất của nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm. Liệu điều này có đi vào “vết xe đổ” như từng xảy ra tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vẫn còn là nỗi nhức nhối thường trực mỗi ngày đối với người dân Thủ đô?
Quan trọng phải có “đề bài” chuẩn
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA nhận định: “Về chủ trương xây dựng sân bay, việc huy động tất cả  nguồn lực là đúng nhưng đó là xây sân bay, hoàn toàn không đơn giản như xây cái nhà. Geleximco hay doanh nghiệp nào đề xuất xây sân bay Long Thành cũng phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Trước khi giải bài toán lớn, Nhà nước và Chính phủ phải là người đặt ra đề bài, chứ không phải doanh nghiệp đề xuất là được”.
Theo ông Đức, để có được “đề bài” chuẩn, đủ dữ kiện, Nhà nước phải tiến hành các nghiên cứu khả thi, toàn diện về cả sáu mặt: Nhu cầu vốn, công nghệ và ảnh hưởng môi trường, tác động xã hội, an ninh quốc phòng, thể chế chính trị… “Sau khi có được đề bài chuẩn rồi thì tiến hành đấu thầu công khai, rộng rãi. Khi đó nếu tìm được nhà đầu tư có lời giải hợp lý, đảm bảo đủ điều kiện thì chúng ta hoàn toàn có thể chấp nhận được chứ đừng nói chủ quan, mang nặng yếu tố tâm lý kiểu “doanh nghiệp Trung Quốc thì không được làm”. Quan trọng nhất vẫn là phía Nhà nước đưa ra đề bài có chuẩn hay không”, ông Đức cho biết thêm.
Cũng nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn, TS. Lưu Bích Hồ – nguyên Viện trưởng viện Chiến lược Phát triển, bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ: “Các doanh nghiệp đều phải đối xử bình đẳng, đặc biệt khi nước ta đang thực hiện hội nhập kinh tế, hợp tác đa phương trong nhiều lĩnh vực”.
Đừng như BOT
Các chuyên gia kinh tế, giao thông đều đồng ý với quan điểm, việc lựa chọn nhà đầu tư xây sân bay Long Thành hay các dự án trọng điểm cần phải có những báo cáo nghiên cứu khả thi kỹ lưỡng, cẩn trọng và toàn diện.
Ông Nguyễn Hữu Đức chia sẻ: “Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải rút kinh nghiệm từ một số dự án BOT gần đây. Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hầu hết các dự án đều là chỉ định thầu, tác động xấu đến người dân. Tháng trước là trạm Cai Lậy – Tiền Giang, bây giờ lại đến vụ việc tại trạm thu phí Quốc lộ 5, đó là chưa kể việc xây đường bộ còn ít tác động hơn việc xây cảng hàng không Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Xây cảng hàng không Long Thành thì không thể chỉ định thầu!”.
Về phía TS. Lưu Bích Hồ, ông cho rằng, trước đây, việc xây dựng sân bay mới chỉ là Nhà nước đầu tư thông qua tổng công ty Cảng hàng không ACV chứ chưa có sự tham gia của khu vực tư nhân. Nói về hai doanh nghiệp đề xuất lần này, tuy Geleximco chưa có kinh nghiệm trong xây dựng sân bay nhưng đây cũng là tập đoàn lớn, làm ăn bài bản và đầu tư vào nhiều ngành như bất động sản, ngân hàng… bây giờ họ muốn chuyển hướng. Về phía nhà thầu Trung Quốc, hãy khoan “đánh đồng” họ như nhà thầu tại hai tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội. “Theo tôi được biết, nhiều nhà thầu Trung Quốc có tiềm lực và uy tín, làm một dự án lớn cũng chỉ mất 2-3 năm”, TS. Lưu Bích Hồ cho hay.
Ông nêu nhận định: “Họ có thể có tiềm lực để xây sân bay Long Thành nhưng theo quan điểm của tôi, những cam kết mà họ nói như tỷ suất vốn đầu tư thấp nhất hay hoàn thành trong 3-5 năm cũng chưa chắc đã đúng. Lúc chào hàng ai cũng nói hay, khi bắt tay vào làm mới ra nhiều vấn đề”.

Hoa Liên