Nhiều chung cư mini đang ở “ngoài vòng pháp luật”


Chung cư mini là loại nhà ở do các chủ đầu tư nhỏ hoặc cá nhân tự xây dựng trên đất của mình để bán cho những người thu nhập thấp. Loại hình chung cư này hầu như không được cấp giấy phép xây dựng một cách chính thức, không được kiểm tra và cấp các loại giấy chứng nhận thiết yếu cho cuộc sống của người dân như chứng nhận phòng cháy chữa cháy, sổ hồng…

Tuy nhiên, sự phát triển tràn lan của loại hình này đang đặt nhà quản lý trước hai tình huống: hoặc là phải cấm tiệt, hai là tạo hành lang pháp lý để chung cư mini được thừa nhận.

Nhu cầu nhiều

Có thể nói, hầu hết chung cư mini đang tồn tại “ngoài vòng pháp luật” về xây dựng, bất động sản cũng như cư trú. Tuy nhiên, chung cư mini có diện tích và giá cả rất phù hợp với nhu cầu và hầu bao của đa số người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Một số ý kiến còn cho rằng, loại hình này chẳng khác gì căn hộ 25 – 30 m2 vừa được Bộ Xây dựng đồng ý thí điểm xây dựng. Do đó, chung cư mini cũng cần được thừa nhận để quản lý chất lượng xây dựng, cũng như quản lý cư dân sống tại các chung cư mini.

Không cần phải đi đâu xa, chỉ vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh hay máy tính, là đã có hàng loạt những số điện thoại giới thiệu, rao bán về chung cư mini trên địa bàn Hà Nội.

Chủ động liên hệ theo số máy: 0968966xxx, phóng viên Đầu tư Bất động sản được nhân viên tên Vân của một công ty phân phối loại sản phẩm này giới thiệu nhiệt tình, hẹn gặp và dẫn đến tận nơi xem hàng một cách chi tiết.

Có mặt ở chung cư mini 245 Lạc Long Quân và 135 Đội Cấn, chúng tôi được nhân viên này giới thiệu chi tiết các căn, một phòng ngủ, hai phòng ngủ với diện tích từ 35 đến 48m2. Giá giao động từ 600 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/căn, phù hợp  “hầu bao” của người thu nhập thấp.

Cùng mong muốn đi tìm mua chung cư mini, anh Thành (Ba Vì) cũng lân la cả tháng nay để tìm mua, từ khu vực Mỹ Đình, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân đến các quận nội đô như Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, nhưng vẫn chưa được căn ưng ý vì nhiều lý do.

Cùng cảnh này, vợ chồng anh Lê Quang Thái (Thanh Hóa) đã lập nghiệp ở Hà Nội được gần 5 năm nay cũng cho biết: “Gia đình tích cóp được ít vốn cộng với hỗ trợ từ hai gia đình nội ngoại, chúng tôi cũng định tìm căn chung cư mini để ở tạm trước mắt. Mấy người bạn cùng cảnh như chúng tôi cũng có nhu cầu về sản phẩm này, đã xem nhiều nơi nhưng chưa ưng ý vì mối lo duy nhất của chúng tôi là tính pháp lý, sở hữu căn hộ mình mua”.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, 60% số người lao động từ các địa phương đến Hà Nội lập nghiệp có xu hướng lựa chọn mua chung cư mini làm mái ấm cho gia đình. Tuy nhiên, đa số họ lo lắng về tính pháp lý, tính chính danh sở hữu căn hộ.

Lối thoát thành ngõ cụt

Theo Luật Nhà ở 2014 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên và tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng), có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu và đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà chung cư, sẽ được cấp giấy chứng nhận đối với từng căn hộ riêng lẻ trong nhà ở đó”.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận cho chung cư mini không dễ dàng. Ngay cả khi Hà Nội đã có hướng dẫn chi tiết điều kiện được cấp sổ đỏ và tiến hành thực hiện thí điểm cấp sổ đỏ, đến nay cũng chỉ có 2 dự án may mắn được thực hiện, hàng trăm dự án còn lại tiếp tục chờ đợi.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, việc không thể cấp sổ đỏ cho chung cư mini xuất phát từ sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình xây dựng, như xây dựng không phép, xây vượt số tầng, cơi nới diện tích xây dựng, không hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Theo các chuyên gia bất động sản, do đã được công nhận, thậm chí chuẩn bị được luật hóa và người dân vẫn tiếp tục sinh sống, cơ quan quản lý cần có biện pháp dứt khoát đối với những căn hộ bị liệt vào dạng “sai phép” do lỗi của chủ đầu tư. Nếu phạt cho tồn tại hoặc giải tỏa các tòa chung cư không phép hoặc sai phép này thì cũng cần sớm có giải pháp.

Nhất Nam