“Giải cứu” nhà tái định cư bỏ hoang


Hàng chục ngàn căn nhà tái định cư tại TP.HCM, Hà Nội bỏ hoang không ai ở gây lãng phí vô cùng lớn. Trong khi đó chính quyền vẫn loay hoay bàn giải pháp nhưng đến nay vẫn bất thành.

Nghịch lý thừa – thiếu
Đến nay TP.HCM còn gần 14.000 căn hộ, nền đất tái định cư không có nhu cầu sử dụng như khu tái định cư 12.500 căn hộ ở Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), khu tái định cư Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), khu Phú Mỹ (Q.7)… 
“Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách tái định cư, nhưng không cần có nhà tái định cư. Cứ đền bù thỏa đáng để dân tự tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại”. – TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng

Có mặt tại khu tái định cư Thủ Thiêm, cảnh hoang tàn bao trùm cả một đại đô thị rộng lớn. Những khu nhà cao tầng, hạ tầng được đầu tư bài bản, chỉnh chu nhưng không có một bóng người. Chị Mai, một người bán cà phê dạo ven đường trong khu vực này cho biết, đã mấy năm nay từ khi dự án xây dựng xong bàn giao nhà cho TP thì khu tái định cư rộng lớn này gần như vắng bóng người. Các tòa nhà chỉ có một số bảo vệ trông coi, rất ít người lai vãng đến. “Tôi buôn bán cà phê ở đây từ ngày dự án mới xây dựng đến bây giờ. Lúc trước cảnh công trường xây dựng tấp nập bao nhiêu thì nay hoang vắng bấy nhiêu. Khu này xây dựng xong từ lâu vẫn không đưa dân vào ở, không biết lý do vì sao. Trong khi bao nhiêu người không có nhà ở còn các căn hộ ở đây được xây dựng

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B được TP.HCM bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng để đầu tư 1.939 căn hộ và 529 nền đất từ năm 2004 đến năm 2008 hoàn thành. Tuy nhiên sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, mới có 25% số căn hộ trên có chủ, số còn lại vẫn đang bỏ hoang. Theo các hộ dân sống tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B, do để lâu không có người ở và không được duy tu nên các block chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. Hành lang, lối đi bị sụt lún; hệ thống phòng cháy chữa cháy hư hại, cái mất cái còn; nhiều căn nhà bị nứt. Những người ở đây cũng than thở, chất lượng căn hộ và hệ thống hạ tầng của khu chất lượng rất kém, mới ở vài năm mà mỗi hộ đã phải đầu tư tiền triệu nâng cấp, sửa chữa, chủ yếu là chống thấm, vá vết nứt, hư hại hệ thống điện nước.
Tại dự án tái định cư số 60 Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng tương tự. Sau nhiều năm đưa vào sử dụng hàng trăm căn nhà tái định cư vẫn bỏ hoang không có người ở trong khi mấy năm nay các hộ dân bị giải phóng mặt bằng tại lô 13, 14 (giai đoạn 2) đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại vất vưởng không nhà. Dự án tại lô 13, 14 (giai đoạn 2) vì thế hàng chục năm qua vẫn chưa thể triển khai vì còn một vài hộ dân không chịu di dời, tái định cư do nơi ở mới quá xa. Tại Q.7, ngay sát bên khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, khu tái định cư Phú Mỹ khoảng 200 căn hộ tái định cư cũng chưa được sử dụng dù hoàn thành đã khá lâu khiến hạ tầng, chất lượng chung cư, các dịch vụ bị xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác.
Khu tái định cÆ° VÄ©nh Lá»™c B bá» hoang nhiá»u năm nay khiến hạ tầng, chất lượng căn há»™ xuống cấp ẢNH: ÄÃŒNH SÆ N
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B bỏ hoang nhiều năm nay khiến hạ tầng, chất lượng căn hộ xuống cấp. Ảnh: Đình Sơn
Đáng nói, trong khi hàng chục ngàn căn nhà tái định cư bỏ hoang thì mới đây chỉ riêng tại TP.HCM, kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho thấy hiện có gần 100.000 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, có đến 10.000 cán bộ công chức, 39.000 hộ thu nhập nghèo, cận nghèo và 17.000 lao động trong khu công nghiệp có các nhu cầu nói trên.
Cần chính sách, không cần nhà tái định cư
Nguyên nhân dư thừa một lượng lớn nhà tái định cư, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong một lần gặp mặt báo giới giải thích, trước đây chính sách bồi thường của nhà nước theo đơn giá quy định thì người dân thường “thích” nhận nhà tái định cư vì có lợi hơn nhận tiền để đi mua nhà. Tuy nhiên, hiện nay khi giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, người dân được bồi thường theo giá thị trường nên người dân thường nhận tiền để tự mua nhà. Tương tự, trước đây khi triển khai một dự án, nhà nước thường yêu cầu phải xây dựng trước quỹ nhà tái định cư để khi người dân bị giải tỏa phải có nhà sẵn vào ở. Do đó, TP đã chuẩn bị một quỹ nhà lớn. Khi chính sách thay đổi, người dân nhận tiền không nhận nhà, khiến quỹ nhà tái định cư do nhà nước đầu tư bị dư ra.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng nhà nước có quan điểm không đúng về nhà tái định cư bởi chỗ ở không chỉ là nơi ở mà liên quan đến vấn đề mua bán kiếm sống, học hành của con cái, khám chữa bệnh của người dân… nên khi lấy đất trong nội thành làm dự án cao cấp, chuyển dân đến tái định cư ở xa cho đất rẻ khiến người dân phản đối không chịu nhận nhà.
“Khi giải tỏa đất vàng trong nội thành 1 m2 đất để làm cao ốc, doanh nghiệp hoặc nhà nước tính tái định cư ra ngoại thành cho người dân 1,5 – 2 m2, ở rộng hơn. Nghe tưởng chừng hấp dẫn nhưng không phải thế. Bởi nếu muốn ở rộng họ lên núi ở còn rộng hơn. Nhưng sống không chỉ là sống mà còn nhiều thứ như kiếm tiền, học hành, vui chơi, khám chữa bệnh… Khi những khu đất vàng hầu hết đều bị quy hoạch, phát triển nhà cao tầng, còn người dân bị di dời tới một khu vực cách nơi sinh sống cũ tới cả mấy chục cây số. Cuộc sống khó khăn, hằng ngày phải mất thời gian đi lại, xăng xe, khói bụi… khiến người dân chán nản, không muốn nhận nhà. Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách tái định cư, nhưng không cần có nhà tái định cư. Cứ đền bù thỏa đáng để dân tự tái định cư tốt hơn chỗ ở hiện tại”, TS Liêm phân tích.
Ông Liêm cũng cho rằng nhà nước, doanh nghiệp “thích” xây nhà tái định cư hơn đưa tiền mặt bởi một phần vì “tham” khi tính toán ra giá xây nhà rẻ hơn đền bù tiền. “Tham” một tí nhưng không đáp ứng được người dân nên lãng phí lớn hơn. Để xây nhà tái định cư cần quy hoạch khu nhà ở đa chức năng, bao gồm từ dịch vụ cho tới giải quyết việc làm…
Đấu giá cũng ế
Để “giải cứu” 14.000 căn hộ, nền đất này, cách đây mấy năm Sở Xây dựng TP.HCM từng đưa ra giải pháp đem đấu giá một phần căn hộ, một phần chuyển sang nhà ở xã hội, một phần giữ lại làm quỹ nhà tái định cư cho TP. Mới đây nhất vào tháng 8/2018, Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục trình UBND TP.HCM phương án bán đấu giá căn hộ tái định cư để thu hồi tiền cho TP.
Cụ thể vừa qua TP.HCM đem 5.200 căn hộ, nền đất tái định cư đưa ra bán đấu giá, trong đó có 3.790 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng, bình quân hơn 2,3 tỷ đồng/căn. Ngoài ra, trong kế hoạch TP.HCM sẽ đem bán đấu giá tiếp 1.000 căn tại khu tái định cư xã Vĩnh Lộc B, 200 căn hộ tại dự án tái định cư Phú Mỹ (Q.7)… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại số căn nhà tái định cư trên vẫn chưa có người mua. Trước tình hình trên, dự kiến TP sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá lại và hiện UBND TP cùng các cơ quan chức năng sẽ thẩm định lại mức giá cho phù hợp hơn.
Lãnh đạo một công ty bất động sản nhận xét: Việc đấu giá căn hộ tái định cư nếu có diễn ra cũng rất khó bởi chủ trương của TP.HCM là bán đấu giá theo giá thị trường. Nếu đã là giá thị trường thì chỉ có người mua để ở là hợp lý còn doanh nghiệp mua theo giá thị trường, sau đó bán lại giá thị trường nữa thì còn lời gì mà mua. Do đó, TP muốn bán số căn hộ tái định cư này phải có chính sách bán sỉ như thế nào cho hợp lý.
“Nếu sản phẩm chưa thành hình còn có cách “tính” khi thiết kế lại, xây dựng khác đi, thêm tiện ích, nâng cấp dự án… chờ thời gian tính toán rồi bán. Trong khi căn hộ này đã tay sờ, mắt thấy… nên rất khó. Hơn nữa, cái tên nhà tái định cư cũng khiến người mua ở e dè về thiết kế, chất lượng, tiện ích… Nếu không có mức giá tốt thì khó mua bán. Hơn nữa, hiện nay thông tin về đấu giá căn hộ tái định cư vẫn chưa rõ ràng, thực tế không có một kênh nào thông tin công khai, minh bạch. Do đó, nếu muốn đấu giá được, TP cần phải mở thầu, thông tin công khai, rộng rãi để người dân, doanh nghiệp tham gia chứ không phải mù mờ như lâu nay”, lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết.

Theo Báo Thanh Niên