Vingroup, Trường Hải có xác lập lại trật tự thị trường ô tô Việt?

Theo GS. Kenichi Ohno, Chính phủ cần có những biện pháp hoặc chính sách để hỗ trợ những doanh nghiệp đầu đàn như Vingroup, Trường Hải theo một phương thức và mức độ hợp lý.

Vingroup vừa chính thức tham gia vào ngành công nghiệp ô tô với việc khởi công dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Với quyết tâm cho ra mặt sản phẩm ô tô đầu tiên chỉ sau 2 năm, liệu Vingroup cùng với Trường Hải có xác lập lại trật tự ngành công nghiệp ô tô Việt trong tương lai tới? 

Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế Nhật Bản.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Kenichi Ohno, một trong những chuyên gia hàng đầu Nhật Bản tham gia xây dựng và tư vấn cho Chính phủ Việt Nam chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ trợ trong suốt gần hai thập kỷ qua về vấn đề này. 

Ngành công nghiệp ô tô Việt vừa chứng kiến một tên tuổi lớn, tập đoàn bất động sản hàng đầu Vingroup vừa khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) với sự chứng kiến của Thủ tướng. Ông nhìn nhận thế nào về động thái trên?

GS. Kenichi Ohno: Tôi cho rằng một doanh nghiệp tư nhân như Vingroup rất năng động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, họ đang trên con đường trở thành một tập đoàn thực thụ. Tôi thực sự cũng chưa đoán định được kế hoạch này có khả thi không, tuy nhiên vốn đầu tư khá lớn. Một doanh nghiệp tư nhân có một động thái đầu tư vào lĩnh vực ô tô như vậy là rất đáng kỳ vọng và chờ đợi. Đối với Vingroup, việc vươn mình sang lĩnh vực mới là ô tô, nếu thực sự họ biết cách làm thì đây là cơ hội đầu tư tốt.

Các tập đoàn tư nhân Việt Nam như Vingroup, Hòa Phát… thực sự vẫn còn tương đối nhỏ. Vingroup đang cất cánh và tăng trưởng rất nhanh. Nhìn cách họ thực hiện trong lĩnh vực bất động sản thì biết, có rất nhiều những tập đoàn bất động sản tại Việt Nam tuy nhiên không nhiều có khả năng cạnh tranh toàn cầu như Vingroup.

Chúng ta đều biết tập đoàn ô tô Trường Hải, cũng tương đối lớn, đang sản xuất và lắp ráp dòng xe Madza và một số xe khác. Với sự tham gia của Vingroup, họ có thể là doanh nghiệp đầu đàn kế tiếp. Và Chính phủ cần có những biện pháp hoặc chính sách để hỗ trợ những doanh nghiệp đầu đàn này theo một phương thức và mức độ hợp lý.

Vậy theo ông Chính phủ cần hỗ trợ gì trong bối cảnh hiện nay?

GS. Kenichi Ohno: Trước tiên phải đi vào chi tiết xem xét Vingroup, Trường Hải những tập đoàn lớn đầu tư tham gia vào ngành công nghiệp ô tô đang muốn gì. Muốn vậy, Chính phủ cần lắng nghe và đối thoại với những doanh nghiệp này để biết rõ, tuy nhiên không nên ban cho những doanh nghiệp này mọi thứ họ yêu cầu. 

Cần hiểu rõ nội dung kiến nghị của những doanh nghiệp và họ sẽ được hưởng ích lợi gì từ những kiến nghị trên. Qua trao đổi chặt chẽ, lắng nghe với cách thức minh bạch và công bằng với những tập đoàn đầu tàu của ngành công nghiệp ô tô tương lai này, từ đó có những chính sách phù hợp hỗ trợ họ trong giai đoạn hiện nay.

Doanh nghiệp nào sẽ giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô thời gian tới, các tập đoàn tư nhân trong nước như Vingroup, Trường Hải hay doanh nghiệp nước ngoài Nhật, Mỹ, Hàn, thưa ông?

GS. Kenichi Ohno: Thực sự rất khó để biết rõ ràng vào thời điểm này. Vì hiện nay ngành công nghiệp ô tô đang chứng kiến những thay đổi rất nhanh, đặc biệt là công nghệ ô tô đang chuyển dần sang sản xuất những chiếc xe ô tô điện, vì vậy nhu cầu sản xuất và tiêu dùng những chiếc xe sử dụng nhiên liệu xăng dầu như hiện nay sẽ không còn là mục tiêu trong tương lai tới. 

Do đó, thời gian tới là thời điểm để những dòng xe mới được sản xuất và tung ra thị trường, vì vậy rất khó cho tôi để đưa ra dự báo lúc này.

Đối với dòng xe truyền thống, chính sách của chính phủ đang bộc lộ một số vấn đề trong việc duy trì hỗ trợ thuế cho ngành công nghiệp ô tô, và chương trình này đã được nói nhiều trong một thời gian dài, tuy vậy lại chưa được giải quyết, trong khi thị trường thời gian tới sẽ có nhiều biến chuyển thay đổi. 

Chính những cơ sở như trên khiến rất khó đưa ra dự báo ai sẽ là người bứt tốc hoặc dành lợi thế trong cuộc cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô.

Với việc những tập đoàn tư nhân có thể là những thế hệ đầu tàu của ngành công nghiệp ô tô thời gian tới, ông có thể gợi ý cách thức con đường mà Vingroup, Trường Hải đang và sẽ phải đi trong bối cảnh hiện tại?

GS. Kenichi Ohno: Tôi nghĩ họ sẽ phải tiến hành hợp tác chặt chẽ, chiến lược với một trong những đối tác sừng sỏ trong ngành. 

Ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi cần sở hữu công nghệ cao, trong khi những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm rất lâu như Toyota, GM cũng đang phải vật lộn để phát triển. Thị trường cũng đang chứng kiến những doanh nghiệp mới tham gia. Tôi không nghĩ một doanh nghiệp có thể đầu tư một khoản vốn rất lớn vào công nghệ mới như chỉ mình Vingroup hoặc Trường Hải. 

Trong cuộc chơi này, nên có sự hợp tác với những đối tác tên tuổi lâu đời như Toyota, Volkswagen hoặc một ai đó khác. Điều đó phụ thuộc vào chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Năm tới, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ còn 0% đối với xe nhập khẩu trong khu vực ASEAN, kịch bản thị trường ô tô sẽ ra sao, thưa ông?

GS. Kenichi Ohno: Tôi không rõ lắm rằng liệu mọi doanh nghiệp ô tô hiện tại sẽ vẫn sống sót, tồn tại đến thời điểm đó chứ? Chúng ta đã nói và chuẩn bị rất lâu rồi, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa có gì xảy ra cả.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Vũ Long (thực hiện)/TheLeader