Vinaconex đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 1.000 tỷ đồng dưới thời ông Đào Ngọc Thanh


Mục tiêu lãi sau thuế gần 1.000 tỷ đồng của Vinaconex trong năm 2019 tuy cao gần gấp đôi năm 2018 nhưng vẫn chỉ bằng 2/3 của năm 2017.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) vừa công bố Báo cáo thường niên 2018 sau khi Ban Hội đồng quản, trị được tòa án gỡ “lệnh” phong tỏa cho hoạt động trở lại.
Theo báo cáo vừa được công bố, năm 2018, tổng doanh thu của Vinaconex đạt 9.731 tỷ đồng, giảm gần 11% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh từ 1.629 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 639 tỷ đồng năm 2018.
Không chỉ doanh thu và lợi nhuận giảm, tổng tài sản hợp nhất của Vinaconex cũng giảm xuống còn 20.085 tỷ đồng, giảm 1.534,1 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 7,1%; trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 682,8 tỷ đồng và tài sản dài hạn giảm 851,3 tỷ đồng. 
Năm 2019, Vinaconex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng công ty là 10.703 tỷ đồng, tăng 110% so với 2018. Lợi nhuận trước thuế 1.262 tỷ đồng, tăng 159% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế 980 tỷ đồng, tăng 153% so với năm ngoái. 
Như vậy, mục tiêu lãi sau thuế gần 1.000 tỷ đồng của Vinaconex trong năm 2019 tuy cao gần gấp đôi năm 2018 nhưng vẫn chỉ bằng 2/3 của năm 2017.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2019 của Vinaconex.  
Để thực hiện mục tiêu trên, Vinaconex cho biết, năm 2019 sẽ tập trung đầu tư các dự án sẵn có và tìm kiếm các dự án mới tại các thành phố, địa phương có tiềm năng như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh,… 
Cụ thể, tiếp tục mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, dự án Bohemia 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97-99 Láng Hạ; Triển khai xây dựng Khu đô thị Splendora (246 ha) trở thành khu đô thị kiểu mẫu xanh – sạch – đẹp – hiện đại phía Tây Hà Nội (Liên doanh An Khánh); Quy hoạch và thiết kế Khu đô thị Cát Bà Amaina (272 ha) tại đảo Cát Bà – Hải Phòng hướng tới phân khúc BĐS cao cấp kết hợp nghỉ dưỡng tại Miền Bắc (VINACONEX ITC).
Đồng thời, triển khai đầu tư dự án tòa chung cư D9 Thanh Xuân (2.673 m2), phấn đấu cuối năm 2019 có thể mở bán cho các khách hàng quan tâm; Đẩy mạnh GPMB và triển khai đầu tư các dự án Khu đô thị mới Thiên Ân (1,9 ha), khu dân cư Ngân Câu ( 32,7 ha), Khu đô thị số 3 (34,5 ha) và dự án Việt khớp nối Đông Á (2,3ha) VINACONEX 25…
Liên quan đến Ban HĐQT của Tổng công ty này, ngày 25/4, TAND quận Đống Đa đã có phán quyết về vụ việc cổ đông khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ Vinaconex trong phiên họp bất thường ngày 11/1/2019 và theo đó huỷ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo quyết định của TAND quận Đống Đa, quá trình xem xét đơn yêu cầu của các cổ đông khởi kiện là Công ty Cường Vũ và Công ty Star Invest, TAND quận Đống Đa đã xác minh tỷ lệ cổ phần sở hữu của các cổ đông cũng như thời gian sở hữu cổ phần làm cơ sở xác định quyền khởi kiện của các cổ đông khởi kiện.
Theo phản hồi của Trung tâm lưu ký chứng khoán gửi Tòa án về việc sở hữu cổ phần thì hai cổ đông này nắm giữ cổ phần phổ thông của Vinaconex chưa đủ thời gian liên tục từ 6 tháng trở lên. Nên, theo quy định tại Điều 114, các cổ đông này không được quyền khởi kiện yêu cầu hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex.
Vì lý do này, TAND quận Đống Đa đã ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã thụ lý trước đó.
Cùng ngày, TAND quận Đống Đa cũng ban hành quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành ngày 27/3/2019 do Tòa đã đình chỉ giải quyết vụ việc nêu trên.
Với việc đình chỉ vụ kiện, nghị quyết này được thực hiện trở lại và các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát mới được bầu tiếp tục được thực hiện nhiệm vụ theo chức danh được bầu tại phiên họp bất thường ngày 11/1/2019.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, có một điều khá bất công trong vụ việc này khi áp dụng Điều 114 Luật doanh nghiệp để giải quyết vụ kiện. Theo quy định của Điều 114, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ ít nhất 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên mới được khởi kiện hủy nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Đây là lý do mà Cường Vũ và Star Invest chưa đáp ứng được nên bị dừng vụ kiện.
Song, cũng chính Điều 114 quy định, cổ đông nắm giữ trên 6 tháng như trên mới được yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông. Và, cổ đông An Quý Hưng không đáp ứng được điều kiện nắm giữ cổ phần liên tục 6 tháng này.
Thế nhưng, phiên họp Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019 được HĐQT triệu tập theo yêu cầu của cổ đông An Quý Hưng. Do đó phiên họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex cũng có dấu hiệu của một phiên họp không hợp pháp. Song, khi vụ kiện bị đình chỉ thì phiên họp này sẽ vĩnh viễn không được xem xét chỉ vì không tìm ra người có đủ điều kiện khởi kiện.
Với những diễn biến vừa qua thì công ty An Quý Hưng, thông qua những thành viên HĐQT được bầu qua đại hội có dấu hiệu không hợp pháp lại đang chi phối Vinaconex, một sự bất công không hề nhỏ cho các cổ đông còn lại. Mâu thuẫn nội bộ giữa các cổ đông lớn chưa được giải quyết về quản trị, điều hành công ty thì tương lai Vinaconex sẽ đi về đâu?

VẠN XUÂN