TS. Nguyễn Đức Thành: Nhà nước phải nhanh chóng “cởi trói” và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Doanh nhân Sài Gòn

“Cắt bỏ các điều kiện kinh doanh là cần, song môi trường kinh doanh sẽ không được cải thiện nếu không cải cách bộ máy nhà nước một cách rốt ráo” – TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét. 

* Các bộ chuyên ngành công bố cắt giảm số lượng lớn điều kiện kinh doanh, nhất là Bộ Công Thương. Ông nói gì về điều này?

– Đấy là tín hiệu tích cực. Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ cắt giảm 2.000 điều kiện kinh doanh hay Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, cho thấy việc tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ cũng như chia sẻ với doanh nghiệp.

Những tuyên bố cắt giảm lượng lớn điều kiện kinh doanh có tác động tích cực lên lòng tin của doanh nghiệp ở khâu cải cách thủ tục hành chính.

* Theo ông thì tại sao môi trường kinh doanh đã có những cải cách nhưng khó khăn chính của doanh nghiệp lại là việc thực thi các điều kiện kinh doanh?

– Cải cách nhưng việc từ bỏ lợi ích từ các điều kiện kinh doanh là không dễ, nhất là khi đang có nhiều công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước muốn thông qua các điều kiện kinh doanh để tìm kiến lợi ích từ doanh nghiệp. Họ bỏ một điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền một bộ, nhưng mở ra những điều kiện khác liên quan đến ba bộ cùng xem xét, các yếu tố kỹ thuật được đưa ra dựa trên các lập luận an toàn cho người tiêu dùng hay an ninh cho một lĩnh vực nào đấy.

Như vậy, một mặt họ có những con số đẹp để báo cáo lên cấp trên theo hướng “cởi trói”, nhưng mặt khác lại tạo nhiều dây nhợ trói doanh nghiệp chặt hơn. Việc sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về xuất khẩu gạo là một ví dụ.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, đương nhiên xóa bỏ những lợi ích phi pháp của tổ chức, cá nhân. Níu kéo lợi ích, một nguyên nhân chính dẫn đến thực hiện các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ không đem lại hiệu quả như kỳ vọng.

Bộ Tài chính thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính gắn với thuế và hải quan, gắn với thông quan hàng hóa, nhưng đến nay thời gian thông quan vẫn rất chậm, phí phi chính thức, hay nói cách khác, cán bộ, nhân viên hải quan vẫn đút túi tiền “làm luật”.

Hiện nay, ngoài 243 ngành nghề, 69 dịch vụ, 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, đang sản sinh nhiều quy định kinh doanh khác. Có ba lĩnh vực tăng số lượng quy định kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp nhiều nhất. Đó là lĩnh vực tài chính (ngoài 20 ngành nghề kinh doanh theo quy định đã có thêm 60 điều kiện liên quan khác). Lĩnh vực xây dựng (ngoài 17 điều kiện kinh doanh theo quy định đã có thêm 26 quy định kinh doanh khác). Lĩnh vực giao thông vận tải (ngoài hơn 30 điều kiện kinh doanh theo quy định, đã có thêm hơn 60 quy định kinh doanh khác).

(Báo cáo về Điều kiện Kinh doanh 2017 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh, việc Bộ Công Thương bãi bỏ quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehit trong sản phẩm dệt may chỉ là một trong những cải cách rất nhỏ so với những vấn đề liên quan tới Bộ này. Cụ thể, thủ tục khai báo hóa chất mà Bộ Công Thương đề ra gây rất nhiều vướng mắc đối với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã cam kết bãi bỏ hồi cuối năm 2016, nhưng đến nay các thủ tục này tiếp tục duy trì, doanh nghiệp vẫn phải đợi giấy xác nhận khai báo. Mới đây, Bộ Công Thương nói rất mạnh về việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh nhưng lộ trình cắt giảm từ nay đến 2018 vẫn mang tính hành chính.

* Như vậy, mới chỉ sửa những cái đã có, chưa chuẩn bị cho những cái sẽ tới, dù chỉ dăm tháng nữa là đến năm 2018, thời điểm Việt Nam phải thực hiện các cam kết FTA đã ký?

– Với tốc độ hội nhập như hiện nay, đáng lẽ Nhà nước phải để thị trường tự điều tiết và chấp nhận những vướng mắc ban đầu. Một điều tôi muốn nhấn mạnh là bản chất điều kiện kinh doanh không đơn thuần giữa một số cá nhân trong khu vực quản lý nhà nước với doanh nghiệp, trên thực tế đó là hậu quả của quá trình xây dựng bộ máy nhà nước. Do đó, khi chưa có những cải cách đồng bộ, thực chất, từ trung ương xuống các bộ, ngành và địa phương, những hành vi của cán bộ nhà nước vẫn rất khó kiểm soát.

* Vậy thì “lối ra” cho những vấn đề này…

– Tôi nghĩ, Nhà nước phải nhanh chóng “cởi trói” và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, thay vì để doanh nghiệp phải dồn hết tâm sức đáp ứng các điều kiện về kinh doanh như lâu nay. Năng lực cạnh tranh quốc gia không thể mạnh nếu như sức cạnh tranh của mỗi ngành hàng, mỗi doanh nghiệp không được nâng lên.

Do đó, Chính phủ phải lưu ý đến những thay đổi trong môi trường kinh doanh, phải giám sát chéo lộ trình ban hành các điều kiện kinh doanh, cũng như tiếp tục rà soát để cắt giảm những quy định không phù hợp, không cần thiết.

Chính phủ cũng cần chú ý đến tình trạng giảm số lượng giấy phép con tại bộ chuyên ngành nhưng lại có thêm nhiều điều kiện mới ở các cơ quan cấp thấp hơn, hoặc chuyển điều kiện từ bộ chuyên ngành này sang bộ chuyên ngành khác.

* Cám ơn ông!

Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Phải có hệ sinh thái kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp

HẢI VÂN thực hiện