Thảm đỏ đón nhân lực công nghệ


Làm thế nào giữ chân nhân viên thực sự đang làm đau đầu nhiều công ty công nghệ.

Thiếu hụt nhân lực trong thời gian dài đang gây ra các hậu quả nặng nề cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Trong khi đó, các giải pháp khắc phục cho đến nay chỉ mang tính tình thế.

Đau đầu chuyện nhân lực

Cách đây không lâu, làng công nghệ Việt Nam nổi lên tin đồn phần lớn đội ngũ phát triển một công ty công nghệ lớn trong nước đã “di dân” sang một đơn vị khác, khiến nhiều dự án trọng điểm của công ty bị trì hoãn. Tin đồn càng có tính xác thực khi dự án trợ lý ảo tiếng Việt, mà đơn vị này phát hành bản thử nghiệm hồi cuối năm ngoái, đến nay vẫn chưa ra mắt bản chính thức. Trong khi đó, Google Assistant tiếng Việt đã phổ biến Việt Nam và sức ép lên dự án trợ lý ảo của công ty ngày càng lớn.

VinID (Vingroup), với mục tiêu phát triển A.I (trí tuệ nhân tạo) và các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Vingroup là đích đến hấp dẫn của nhóm nhân lực nói trên. Điều này cũng không khó hiểu ở một thị trường thiếu hụt nhân sự công nghệ trầm trọng như Việt Nam. Báo cáo thị trường nhân lực công nghệ của Talentnet hợp tác với Mercer cho thấy trong 3 năm qua ngành phần mềm luôn dẫn đầu tỉ lệ tăng lương theo ngành (bao gồm ở các tập đoàn đa quốc gia và công ty địa phương) với mức tăng trung bình hơn 10%.

Tham do don nhan luc cong nghe

Báo cáo gần đây của TopDev, đơn vị tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ, cho biết ước tính đến năm 2021, riêng lao động trong ngành lập trình sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực trong khi khả năng hiện tại chỉ có khoảng 200.000 lao động đáp ứng được nhu cầu công việc.

Việt Nam hiện nổi lên như địa điểm lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới vì chi phí nhân lực trong ngành công nghệ ở Trung Quốc và Ấn Độ cao vượt trội so với mặt bằng chung. Công ty nào có đội ngũ nhân lực chuyên về A.I, machine learning (máy học) càng có nguy cơ bị mất nhân sự cao do sự thiếu hụt lao động trầm trọng trong lĩnh vực này.

Bản thân nhân sự trong ngành này cũng không ngồi yên. Báo cáo cho thấy, các lập trình viên sẵn sàng bỏ việc nếu họ tìm thấy cơ hội mới (59,8%). Bên cạnh lương và thưởng, các công việc có khả năng phát triển chuyên sâu công nghệ mà họ đang làm (33,9%) là điểm thu hút nhân lực trong ngành này. “Thị trường khan hiếm và bản thân các nhà lập trình viên đều hiểu rõ giá trị của họ nên giữ chân nhân sự thực sự làm đau đầu nhiều doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc Điều hành TopDev, nói.

Lương cao chưa đủ hấp dẫn

Ông Huỳnh Lâm Hồ, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Haravan, đơn vị cung cấp giải pháp thương mại điện tử, cũng trải qua tình trạng chảy máu nhân tài khi không ít lập trình viên cứng cựa của Công ty đầu quân cho các công ty Singapore. “Để tuyển dụng nhân sự lập trình giỏi, ngoài mức thu nhập, Công ty còn phải đưa ra các bức tranh về tương lai của doanh nghiệp trong 5-10 năm tới để tạo động lực cho họ”, ông Hồ nói.

 

Tham do don nhan luc cong nghe

Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Quang Huy, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Kỹ thuật Holistics, công ty chuyên cung cấp nền tảng phân tích báo cáo và xây dựng kho dữ liệu cho các doanh nghiệp, cho biết lợi thế của Công ty là làm sản phẩm. Các kỹ sư của Công ty là những người đi gặp khách hàng để hiểu rõ được vấn đề mà họ đang đối mặt từ đó tạo động lực để khắc phục. Các thông tin phân tích thị trường, đối thủ cũng được chia sẻ để các kỹ sư hiểu rõ về việc đang làm để nâng cao năng lực. Đối với nhân lực quan trọng, Công ty sẽ chủ động chia cổ phiếu để giữ chân họ.

“Tầm nhìn doanh nghiệp là câu chuyện mà các doanh nghiệp công nghệ nhắc đến nhiều nhất trong các chương trình xây dựng thương hiệu cho nhà tuyển dụng”, ông Bình của Top Dev nói.

Khác với trước đây, các doanh nghiệp công nghệ chia sẻ rất nhiều về mức lương, môi trường làm việc hiện đại thì hiện nay định hướng của doanh nghiệp, các công nghệ họ sẽ đầu tư và cách họ mong muốn sản phẩm tạo ra có thể thay đổi thị trường như thế nào mới là điều thu hút các lập trình viên.

Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận các giải pháp này chỉ mang tính tình thế trong một thị trường thiếu nhân lực như hiện nay. Vấn đề cốt lõi vẫn là đào tạo nguồn nhân lực. Theo ông Bình, khâu khó nhất trong việc đào tạo chính là đáp ứng nhu cầu thực tế thị trường, từ trước đến nay chưa đơn vị nào cung cấp được số lượng lớn giáo trình đào tạo bám sát thực tế và giáo viên hướng dẫn là những người đang làm việc với công nghệ đó. “Cho đến nay, thị trường vẫn chưa có các giải pháp như vậy.”, ông Bình nói.

Theo NCĐT